Tại báo cáo tổng hợp kết quả Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội, cơ quan kiểm toán cho biết hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mắc sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí…
Từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách.
Báo cáo kiểm toán nêu đích danh các tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt dẫn tới khoản phải thu quá hạn, khó đòi lớn như Vinaconex (541 tỷ đồng), Vinachem (753 tỷ đồng), hay Tổng công ty hàng không Việt Nam (gần 304 tỷ).
Một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, dẫn tới tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính, thậm chí rơi vào tình trạng buộc phải giám sát tài chính đặc biệt như Vinachem, Công ty cổ phần vận tải thuỷ - Vinacomin…
Cũng vì o bế cho công ty con, công ty cháu nên doanh nghiệp mẹ cũng phải gánh những khoản thua lỗ lớn, nổi bật là Đạm Ninh Bình lỗ luỹ kế đến 31/12/2016 gần 3.200 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 968 tỷ đồng; Công ty cổ phần Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc gần 1.721 tỷ đồng; Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem 1.066 tỷ và Công ty cổ phần DAP - Vinachem 462 tỷ đồng...
Tại các báo cáo kiểm toán trước đây, nhiều lần cơ quan kiểm toán nêu và kiến nghị các doanh nghiệp lớn khắc phục, song ở báo cáo lần này tình trạng sử dụng vốn dự án sai mục đích, đối tượng vẫn tái diễn, ví dụ dự án Đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 1 của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas).
Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân thẩm định, phê duyệt khi chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, ý kiến tham gia của Bộ Quốc phòng về ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng; Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn về sự phù hợp với quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản và dự kiến quy hoạch các khu bảo tồn biển.
Còn dự án tổ hợp bô xít nhôm Lâm Đồng của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) là dự án được cơ quan kiểm toán xác định đã làm trái với chỉ đạo Thủ tướng khi phê duyệt nâng công suất từ 600.000 tấn một năm lên 650.000 tấn. Quyết định này cũng không đúng với quy hoạch ngành.
Ngoài ra, TKV áp dụng lựa chọn nhà thầu không đúng quy định và ký kết hợp đồng vượt giá gói thầu, ký giá trị hợp đồng EPC vượt tổng mức đầu tư.
"Hợp đồng EPC nhà máy Alumin 466 triệu USD nhưng tổng mức đầu tư dự án chưa được điều chỉnh tại thời điểm đó là 6.220 tỷ đồng, tương đương 387,5 triệu USD", báo cáo nêu.
Cũng tại dự án này, kiểm toán phát hiện hợp đồng EPC được ký vượt giá gói thầu, làm tăng chi phí đầu tư 113 triệu USD. Dự án cũng bị chậm tiến độ gần 4 năm so với kế hoạch (tháng 6/2016 mới vận hành thương mại) và hai lần điều chỉnh giá trị làm tăng hơn 9.100 tỷ vốn đầu tư.
Là dự án do Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) làm chủ đầu tư, dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đakđrinh đã không huy động đủ vốn để thực hiện dự án, phải sử dụng vốn sản xuất kinh doanh không có trong phương án tài chính được phê duyệt chi trả gần 148 tỷ đồng cho giai đoạn đầu tư nhưng chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận.
Dự án này đã một lần điều chỉnh tăng 1.488 tỷ đồng và đang xin tăng vốn đầu tư tiếp lần 2 lên 5.887 tỷ.
Trước những sai phạm của các tập đoàn, tổng công ty, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị xử lý tài chính hơn 91.300 tỷ đồng.
Số tiền này bao gồm các khoản tăng thu 19.100 tỷ đồng của một số "ông lớn" như Sabeco 2.600 tỷ đồng, Habeco là 1.800 tỷ, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) 1.700 tỷ….Ngoài ra còn khoản giảm chi 18.400 tỷ; tăng giá trị doanh nghiệp, vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa 9.639 tỷ đồng…