Châu Á - thị trường trọng yếu
Trong lần công bố kết quả kinh doanh hồi đầu năm 2018, ông Ng Keng Hooi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn AIA cho biết, AIA đã có mặt ở châu Á trong gần 1 thế kỷ và đang hoạt động tại những thị trường bảo hiểm nhân thọ năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới.
"Với bề dày lịch sử hoạt động tại châu Á, Tập đoàn AIA có chiến lược kinh doanh phù hợp với những cơ hội lớn được mang đến từ sự chuyển đổi mạnh mẽ trong xã hội và tăng trưởng kinh tế vượt bậc của khu vực này”, ông Ng Keng Hooi nói.
Trao đổi với báo giới trong một cuộc gặp gỡ mới đây, bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Generali Việt Nam cũng chia sẻ rằng, kết thúc năm 2017, Tập đoàn Generali đạt 4,9 tỷ euro lợi nhuận - con số lớn nhất trong lịch sử hoạt động của hãng bảo hiểm đến từ nước Ý này.
"Thời gian tới, Generali sẽ rà soát lại những thị trường có thị phần nhỏ, tiềm năng phát triển không cao như châu Mỹ, châu Phi, để tập trung cho những thị trường có tiềm năng phát triển lớn hơn, đặc biệt là châu Á. Tập đoàn Generali sẽ đầu tư mạnh tại khu vực này", bà Tina Nguyễn nói.
Theo bà Tina Nguyễn, Việt Nam so với các thị trường khác ở châu Á tuy thị phần còn khiêm tốn, nhưng luôn được lãnh đạo Tập đoàn Generali quan tâm, bởi đây là thị trường rất giàu tiềm năng và có thể giúp Generali trở thành 1 trong 5 công ty lớn nhất châu Á. Năm 2017, lượng khách hàng của Generali Việt Nam đã tăng lên hơn 200.000 khách hàng.
Generali Việt Nam cũng là 1 trong 6 công ty có doanh thu phí mới cao nhất thị trường và nằm trong nhóm những công ty có phí bảo hiểm khai thác mới trên 1.000 tỷ đồng. Hệ thống Gencasa của Generali Việt Nam hiện có 63 văn phòng tổng đại lý và trung tâm dịch vụ khách hàng trên toàn quốc và dự kiến sẽ mở rộng hơn trong thời gian tới.
“Chiến lược năm 2018 của Generali Việt Nam là tiếp tục mở rộng các kênh phân phối như đại lý và bảo hiểm nhóm, ra mắt các sản phẩm đơn giản và nhiều quyền lợi hơn cho khách hàng, đặc biệt là nâng cao trải nghiệm khách hàng - đây là một trong những vấn đề mà Generali toàn cầu luôn đề cao”, bà Tina Nguyễn nhấn mạnh.
Triển vọng tăng trưởng lớn
Chia sẻ tại buổi ra mắt sản phẩm bảo hiểm mới nhất, Tổng giám đốc AIA Việt Nam - ông Wayne Besant nói rằng, thời gian qua, Tập đoàn AIA hiện đã hạn chế đầu tư ở châu Mỹ cũng như châu Âu để tập trung phát triển thị trường tại 18 nước thuộc khu vực châu Á, nên Tập đoàn nắm bắt và hiểu khá rõ tâm lý của người dân châu Á.
Với Tập đoàn AIA, Việt Nam luôn là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm nhất. Chính vì thế, trong quá trình phát triển sản phẩm, AIA đều tính đến sự tương thích với thị trường này.
Đầu tư vào InsurTech (công nghệ - bảo hiểm) đang trở thành xu thế
“Việt Nam tuy là thị trường có dân số trẻ, nhưng thực tế cũng thuộc Top 10 quốc gia có dân số già nhanh nhất thế giới. Do đó, cần phải có những sản phẩm bảo vệ phù hợp cho phân khúc khách hàng này tại Việt Nam. Đây cũng là lý do AIA Việt Nam cho ra thị trường sản phẩm bảo hiểm bệnh hiểm nghèo trọn đời”, Wayne Besant nói.
Theo các chuyên gia trong ngành, xét bối cảnh hiện tại của bảo hiểm nhân thọ Việt Nam, tuy thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, nhưng cũng luôn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm, dù đã thành lập lâu năm hay mới tham gia thị trường, bên cạnh tạo ra một thị trường ngách hấp dẫn.
“Tuy mức thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam cơ bản còn thấp, nhưng vì là thị trường có triển vọng tăng trưởng lớn, nên đây là thời điểm thích hợp để đầu tư”, tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm mới bổ sung thêm vốn đầu tư chia sẻ.
Theo đánh giá của các công ty bảo hiểm, các phân khúc khách hàng thuộc lớp dân số trẻ ngày nay được dự báo sẽ trở thành tầng lớp khá giả, thậm chí giàu có trong tương lai nhờ sự gia tăng đáng kể về thu nhập và nhu cầu tiết kiệm, cũng như bảo vệ.
Trong đó, sức khỏe đang là yếu tố chi phối mạnh mẽ nhất đối với người tiêu dùng, là ưu tiên hàng đầu của 90% khách hàng, đồng thời đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và nâng cao nhận thức về bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam. Chính vì thế, bộ phận phát triển sản phẩm của các công ty bảo hiểm luôn tập trung nghiên cứu nhằm đưa ra những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng đúng nhu cầu đa dạng của phân khúc này.
Một nghiên cứu gần đây của Nielsen cũng chỉ ra rằng, người dân Việt Nam có xu hướng tiết kiệm cao nhất trên thế giới và sức khoẻ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ. Người Việt Nam cũng đang chi tiêu nhiều hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày, cũng như bắt đầu có những kế hoạch dài hạn cho bản thân và những thành viên trong gia đình nhằm chuẩn bị tốt nhất về mặt tài chính, đảm bảo chất lượng cuộc sống không đi xuống khi về già, nhất là khi tuổi thọ trung bình của họ ngày càng tăng.
Có thể thấy, nhu cầu được bảo vệ dài hạn của người Việt Nam sẽ trở thành nhu cầu tất yếu trong thời gian tới, đặc biệt khi ngày càng nhiều người trẻ muốn phát triển nghề nghiệp theo hướng tự do.
Cùng với nền kinh tế đang ngày một phát triển của Việt Nam, xu hướng ngày càng phổ biến của Internet và thiết bị cầm tay thông minh, đang thúc đẩy đầu tư nhiều hơn tại hầu hết các doanh nghiệp, về cả cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Châu Á, bao gồm cả Việt Nam, được nhìn nhận sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng bảo hiểm toàn cầu, đặc biệt là trong trào lưu đầu tư vào InsurTech (công nghệ - bảo hiểm).
Theo các chuyên gia trong ngành, châu Á sẽ là nơi cảm nhận rõ nét nhất tác động của những đổi mới này, nhất là khi một bộ phận lớn dân chúng từ trước đến nay “ngoài vùng phủ sóng” của bảo hiểm, giờ đây được tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm hiện đại, được thiết kế riêng biệt, phù hợp với từng nhu cầu của mình và đặc biệt, họ sẽ được trải nghiệm các dịch vụ bảo hiểm hết sức mới mẻ dưới sự hỗ trợ của công nghệ.
Thực tế tại thị trường Việt Nam hiện nay, không chỉ những công ty bảo hiểm hàng đầu như Bảo Việt, Prudential, Manulife, AIA Việt Nam, Generali Việt Nam…, mà các công ty bảo hiểm thuộc tốp dưới đều đã coi công nghệ kết nối khách hàng là một trong những chiến lược đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển của mình.