Nhà hàng Viet Fusion tại Anh Quốc.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam được xác định chiến lược trở thành trung tâm công nghệ của khu vực và trên thế giới.
Theo dự báo của MarketLine, trong vòng 4 năm tới, thị trường phần mềm thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng cao với tỷ lệ trung bình 11,3% và dự kiến đạt 969 tỷ USD vào năm 2024. Đối với nước ta, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đánh giá: “Xét về trình độ công nghệ, trong các lĩnh vực đang là xu thế phát triển trên thế giới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây…, nhiều doanh nghiệp Việt đã đạt trình độ ngang với các doanh nghiệp trên thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp đang đem những kinh nghiệm, công nghệ, quy trình tích lũy sau nhiều năm làm cho đối tác nước ngoài để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao Make in Vietnam”, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA nhận xét.
Thực tế thời gian qua, không ít doanh nghiệp Việt đã “âm thầm” xuất khẩu phần mềm tới nhiều quốc gia. Theo thống kê, một bộ phận không nhỏ khách hàng này là Việt Kiều đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Với đặc thù riêng biệt, cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại thường kinh doanh nhiều nhất trong các mảng dịch vụ, tiêu biểu là ngành nail và nhà hàng (với thế mạnh ẩm thực Việt). Các hệ thống quản lý là thiết yếu với ngành dịch vụ nói chung, nhưng các giải pháp tới từ Việt Nam đang vượt trội do phù hợp với quy trình vận hành của nhà hàng Việt và chi phí thấp hơn hẳn so với các hệ thống bản địa.
Theo chị Chinh Nguyễn, chủ sở hữu thương hiệu Viet Fusion với 3 nhà hàng tại Anh Quốc, chia sẻ: “Những phần mềm quản lý từ Việt Nam có tính năng đa dạng, linh hoạt cao và giá thành rẻ hơn so với các sản phẩm tại bản địa nói chung. Ngoài ra, sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hoá, giúp tôi dễ dàng tiếp nhận và sử dụng từ xa một cách dễ dàng ”.
Định hướng chung của nhiều startup Việt
Các giải pháp công nghệ Việt đang dần hướng tới thị trường quốc tế, và bắt đầu từ cộng đồng hải ngoại. Trong một buổi chia sẻ gần đây, ông Vũ Thanh Hùng, CEO iPOS.vn - đơn vị cung cấp giải pháp quản lý cho nhà hàng & cà phê, đánh giá tiềm năng rất lớn với thị trường tương lai này. Theo ông, hệ thống quản lý (POS) là bắt buộc, tuy nhiên các giải pháp bản địa thường đắt và không hẳn phù hợp với phương thức kinh doanh của người Việt. Thực tế, doanh nghiệp ông đã triển khai giải pháp ra ngoài lãnh thổ từ 5 năm trước, và tăng lên nhanh chóng trong khoảng thời gian 2 năm diễn ra đại dịch. Bên cạnh đó, các giải pháp công nghệ cũng giúp cho nhiều nhà hàng giảm bớt chi phí thuê nhân sự, vốn chiếm một khoản không nhỏ.
Ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn. |
Cùng chung quan điểm, nhà sáng lập của Fastboy ông Vương Phạm cũng phát triển sản phẩm POS tương tự, nhưng nhắm tới ngành Nail - lĩnh vực mà người Việt nắm giữ lợi thế trên đất Mỹ. Ông Vương nhận định: "Trước Vương thấy người ta bước vô tiệm nail, xong dịch vụ thì đi ra, chỗ nào cũng vậy. Vương nghĩ: Sao mình không để máy check-in, bằng iPad thôi cũng được, để người ta nhập số điện thoại vô? Một là lưu giữ được thông tin khách hàng, hai là chia được từng người khách ra 3 nhóm: Nhóm VIP – thường xuyên quay lại tiệm, Nhóm khách lâu lâu mới đến 1 lần, và Nhóm khách đến 1 lần đi luôn, có khách 30 - 60, thậm chí 90 ngày chưa quay trở lại”.
Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các công ty lớn có chi nhánh quốc tế đã dần tin tưởng các sản phẩm công nghệ xuất xứ nội địa. Mới đây, Thai Vietjet Air, công ty thành viên của hãng hàng không Vietjet Air, đã công bố chính thức vận hành trên nền tảng Base.vn. Doanh nghiệp này là công ty công nghệ đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp Software –as –a-Service (Saas) tại Việt Nam, từng đạt giải Nền tảng số xuất sắc do bộ Thông tin & Truyền thông trao tặng năm 2020.
Make in Vietnam và mục tiêu nâng tầm doanh nghiệp Việt khắp thế giới
Thực tế, Việt Nam đã và đang được nhắc đến như trung tâm công nghệ mới của thế giới. Đặc biệt, những start-up thế hệ mới, với đặc thù cạnh tranh với nhiều đối thủ trong nước và quốc tế, hiểu rằng để phát triển bền vững phải mở rộng tư duy, hoạt động và mạng lưới vươn ra toàn cầu.
Một số chuyên gia nhận định, việc định hướng và đẩy mạnh xu hướng xuất ngoại cho doanh nghiệp Việt Nam là một vấn đề vĩ mô và là trọng tâm của quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia nói chung và lĩnh vực đổi mới sáng tạo nói riêng. Đặc biệt, trong thời điểm “vàng” như hiện nay, việc từng bước nâng tầm doanh nghiệp Việt trong và ngoài nước là một tầm nhìn quan trọng, mang tính chiến lược với nền kinh tế chung của đất nước.
Nhận định về làn sóng này, ông Hoàng Công Đoàn - Chủ tịch CLB Đầu tư và Khởi nghiệp Việt Nam chia sẻ: "Đầu tư vào khởi nghiệp tuy rủi ro nhưng lợi nhuận khá cao, vì tăng trưởng của startup rất nhanh. Do đó, các nhà đầu tư vẫn tiếp tục đổ xô vào đầu tư vào các startup. Đây cũng là một trong những cơ hội để cho các bạn trẻ khởi nghiệp gọi vốn. Tôi cho rằng, năm nay nguồn vốn đầu tư vào startup tại Việt Nam xấp xỉ 2 tỷ USD".
Còn theo ông Vũ Thanh Hùng - CEO iPOS.vn đánh giá: “Đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác mạnh mẽ cho các doanh nghiệp công nghệ Việt. Động lực từ nền kinh tế và tiến bộ xã hội, sẽ giúp các sản phẩm công nghệ trong nước mang lại nhiều giá trị, hướng tới như một sản phẩm xuất khẩu chủ lực cho nền kinh tế Việt. Làm sao để cộng đồng người Việt tại nước ngoài lạc nghiệp, vẫn là nỗi trăn trở của chúng tôi nhiều năm trở lại đây”.