Buổi Tọa đàm “Giáo dục tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên điện thoại di động” do Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức sáng 29/9 cho thấy, trước xu thế toàn cầu hóa và những biến chuyển của nền kinh tế nước nhà, câu chuyện giảm nghèo, an sinh xã hội luôn là nỗi trăn trở…
Bà Lê Minh Thái, Điều phối viên chương trình và gây quỹ OXFAM chia sẻ, thiếu kiến thức và kỹ năng để tiếp cận và sử dụng hiệu quả các dịch vụ tài chính, đặc biệt là thông qua internet, là một trong những rào cản đối với người nghèo để cải thiện sinh kế của mình trong nền kinh tế đang ngày càng dựa vào dịch vụ tài chính và số hoá nhanh chóng
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Ân, Giám đốc Công ty công nghệ Teso nói: “Trước kia chúng ta không thể nghĩ đến câu chuyện có một bà già ở một vùng quê xa xôi lại nổi tiếng rất nhanh như bà Tân Vlog. Điều này cho thấy, không thể phủ nhận công nghệ đã phủ sóng đến mọi ngóc ngách của xã hội, không còn là của những người trẻ, mà còn là của những người cao tuổi ở khu vực nông thông, vùng sâu, vùng xa”.
Bà Nguyễn Thành Phương Chi, Phó giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông Ngân hàng Chính sách xã hội thông tin, giáo dục tài chính ở Việt Nam khá mới, chưa được phổ cập rộng rãi.
“Gần 80% khách hàng sở hữu điện thoại di động, nhưng không biết nhiều về quản lý tài chính cá nhân công nghệ”, bà Chi chia sẻ.
Cụ thể hơn, bà Chi cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành cuộc khảo sát trên 360 khách hàng về nhu cầu giáo dục tài chính qua điện thoại di động tại 3 tỉnh: Hải Dương, Thanh Hoá, Quảng Ngãi với đối tượng phỏng vấn là Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, khách hàng vay vốn và không vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, độ tuổi dưới 40.
Kết quả, trên 90% khách hàng có đủ nguồn lực và kỹ năng thao tác trên điện thoại di động; trên 80% khách hàng nhận biết lợi ích của giáo dục tài chính; gần 50% khách hàng sử dụng điện thoại thông minh; 43,7% khách hàng muốn được tiếp cận thông tin về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và kiến thức quản lý tài chính gia đình; 40,6% khách hàng dùng điện thoại để nghe gọi và sử dụng các ứng dụng như đọc báo, xem thời tiết, zalo, Facebook…
Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức Oxfam đã ký thoả thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động.
Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục tài chính cho hộ nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động được bà Nguyễn Thị Thư, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thuộc đoàn thanh niên tại thôn Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết: “Trải nghiệm tiếp cận với ứng dụng giáo dục tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội trên điện thoại di động cho thấy rất hiệu quả. Không chỉ thân thiện, dễ sử dụng mà còn chứa những thông tin rất bổ ích”.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội đang hướng dẫn bà con sử dụng ứng dụng “Ngân hàng Chính sách xã hội – Giáo dục tài chính" |
Theo bà Thư, ứng dụng dễ sử dụng, đơn giản, tiện lợi, phù hợp với người nghèo và các đối tượng yếu thế. Hình ảnh đẹp, chữ to, dễ đọc, âm thanh để nghe thuận tiện và thậm chí có thể xem được ở vùng sóng mạng yếu. Thông tin được đăng tải công khai, minh bạch và được cập nhật thường xuyên. Ứng dụng giúp cho bà Thư và các tổ viên hiểu cách tính toán thu, chi, tiết kiệm hàng ngày, hàng tháng; biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ, tiền gửi tiết kiệm…
App giáo dục tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội đã được đẩy lên kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và CHPlay với tên gọi “Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính” với mục tiêu, thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và kiến thức cơ bản về quản lý tài chính gia đình.
Hơn thế, thông qua giáo dục tài chính không chỉ góp phần trực tiếp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.