Sản phẩm mới và đội ngũ phân phối (đại lý) là hai khâu chủ lực giúp tăng doanh thu của khối nhân thọ hiện nay. Năm nay, có một điểm chung là hầu hết sản phẩm mới chỉ là “nâng cấp phiên bản cũ”.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, trong quý này, Công ty dự kiến đưa ra thị trường 2 phẩm, gồm một sản phẩm bảo hiểm truyền thống và một sản phẩm khác thuộc dòng liên kết chung. Nếu thị trường thuận lợi, cuối năm 2014, doanh nghiệp này có thể cho ra tiếp một sản phẩm bảo hiểm, vừa mang tính chất bảo vệ, vừa mang tính đầu tư.
Ngoài Dai-ichi Life, AIA Việt Nam cũng xác nhận có thể sớm trình làng một sản phẩm mới trong thời gian này. Một thương hiệu khác là Manulife Việt Nam cho biết, đang hoàn tất những khâu cuối cùng để chính thức ra mắt sản phẩm mới.
Tương tự, một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lớn trên thị trường chia sẻ, chỉ chờ Bộ Tài chính chính thức phê duyệt sản phẩm là sẽ đưa sản phẩm mới của mình ra thị trường trong tháng 5/2014.
“Đây không phải là sản phẩm hoàn toàn mới, mà là sản phẩm được hoàn thiện từ sản phẩm có sẵn đang bán trên thị trường. Sản phẩm này thuộc dòng liên kết chung (ULP) được thiết kế với nhiều đặc điểm ưu việt hơn, cũng như linh hoạt hơn trong đóng phí cho khách hàng”, đại diện công ty trên nói.
Nâng cấp sản phẩm cũ để tạo ra phiên bản mới là xu hướng được hầu hết công ty bảo hiểm nhắm đến, bằng cách tăng thêm lợi ích cho khách hàng như chăm sóc sức khỏe hay điều trị y tế..., linh hoạt trong đóng phí để thuận tiện cho khách hàng. Điều này được thể hiện khá rõ trong các sản phẩm mới từ đầu năm đến nay.
Đầu tháng 3 vừa qua, Generali Việt Nam đã tung ra Bảo nhân Khang nghiệp nhắm đến đối tượng là chủ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, dịch vụ... tham gia bảo hiểm toàn diện cho bản thân và người lao động đang làm việc cho cơ sở của mình trong độ tuổi từ 18 đến 50.
Với mức phí bảo hiểm bình quân chỉ 200 - 300 ngàn đồng/tháng/thành viên, nhưng người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi bảo hiểm thiết thực như chi phí điều trị y tế do tai nạn lên đến 50 triệu đồng/vụ, chi phí điều trị y tế do bệnh lên đến 100 triệu đồng/năm, tử vong, thương tật toàn bộ và vĩnh viễn lên đến 100 triệu đồng, tử vong, thương tật/bỏng do tai nạn lên đến 300 triệu đồng…
Trước đó, cũng vào đầu tháng 3/2014, ACE Life đã ra mắt “Kế hoạch tài chính trọn đời - Quyền lợi toàn diện 2013”. Theo đó, những quyền lợi được gia tăng mới sản phẩm còn có điểm độc đáo là sau khi trừ các khoản phí theo quy định, toàn bộ phí bảo hiểm của quyền lợi bảo hiểm cơ bản và các quyền lợi bảo hiểm gia tăng sẽ được chuyển vào một giá trị tài khoản hợp đồng và được hưởng quyền lợi đầu tư...
Trên thực tế, việc cải tiến sản phẩm mới là điểm không khó hiểu bởi để ra một sản phẩm thực sự mới như bảo hiểm hưu trí cần rất nhiều thời gian, phụ thuộc vào cả yếu tố chính sách và khả năng tiếp nhận của thị trường. Cải tiến các sản phẩm đang bán tốt là cách hữu hiệu để có dòng phí mới.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, dù có khó khăn nhưng tiềm năng của bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa khai thác hết. Trong số hơn 5 triệu hợp đồng bảo hiểm hiện nay, số lượng chủ hợp đồng có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng khó khăn tài chính chỉ chiếm khoảng 80%. Số lượng người có thu nhập trung lưu khá giả trở lên còn nhiều (hơn 250.000 chủ doanh nghiệp và trang trại, hơn 2 triệu hộ tiểu thương, hơn 1 triệu người làm dịch vụ y tế, chăm sóc sắc đẹp, văn hóa nghệ thuật có mức sống khá giả, hơn 1 triệu người làm việc trong những lĩnh vực có thu nhập cao của xã hội).
Vì vậy, các sản phẩm bảo hiểm có mệnh giá cao, số tiền bảo hiểm lớn, thời gian bảo hiểm dài kèm theo với tần suất xuất hiện rủi ro cao đang là sản phẩm bảo hiểm ưa chuộng, phát triển thay thế những sản phẩm bảo hiểm trước đây.