Sai phạm tại một loạt mảnh “đất vàng”
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2013 - 2017, TP. Hà Nội đã hoàn thành cổ phần hóa 57/60 doanh nghiệp, trong đó quyết toán, bàn giao 44 doanh nghiệp sang công ty cổ phần. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa có nhiều tồn tại khi hầu hết doanh nghiệp cổ phần hóa chưa xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp. Đặc biệt, việc cổ phần hóa đã xảy ra nhiều sai sót liên quan đến quản lý, sử dụng cũng như xác định giá trị đất đai.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, UBND TP. Hà Nội đã cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bổ sung mục đích sử dụng đất không đúng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước và phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa đối với một loạt mảnh “đất vàng” có diện tích lớn của các doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa như khu đất 38.155,9 m2 tại số 423 phố Minh Khai của Công ty cổ phần Dệt Minh Khai, khu đất 2.746,9 m2 tại số 358 đường Láng của Công ty cổ phần Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế, khu đất 2.001 m2 tại số X3 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy của Công ty TNHH MTV 19/12 Hà Nội.
Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa đối với khu đất 4.184 m2 tại Lô 2 - E9 đường Phạm Hùng của Công ty TNHH MTV Hanel, để doanh nghiệp tùy tiện sử dụng không đúng quy định.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cho phép Công ty TNHH NN MTV Giầy Thụy Khuê hợp tác, liên doanh trong khi liên doanh đã thành lập và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để hợp thức hóa việc góp vốn không đúng quy định, đồng thời sử dụng quyền thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để góp vốn liên doanh không đúng quy định tại Điều 111, Luật Đất đai 2003 đối với khu đất 152 Thụy Khuê của doanh nghiệp này.
Ngoài ra, TP. Hà Nội chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ tiền thu bán cổ phần lần đầu và thoái vốn, dẫn đến dấu hiệu thất thoát 313 tỷ đồng, bao gồm tiền thu được từ cổ phần hóa Nhà máy Dệt Minh Khai 39,6 tỷ đồng Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội 179 tỷ đồng, thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Dệt Minh Khai 19,4 tỷ đồng và Công ty cổ phần HBI 75 tỷ đồng; chưa tính đầy đủ lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, trong khi doanh nghiệp sử dụng lợi thế quyền thuê đất trả tiền hàng năm để góp vốn.
Hà Nội kiến nghị ngược chủ trương
Mới đây, trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ các kiến nghị về việc điều chỉnh danh mục thoái vốn cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội kiến nghị lùi thời hạn cổ phần hóa tại một số doanh nghiệp, đồng thời xin điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước tối thiểu tại các doanh nghiệp này.
Cụ thể, Hà Nội kiến nghị điều chỉnh thời hạn CPH từ năm 2018 sang năm 2020 đối với Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico), đồng thời xin giữ tỷ lệ sở hữu nhà nước trên 65% đối với 2 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, địa phương này bày tỏ nguyện vọng xin giãn thời hạn CPH từ năm 2018 sang 2019 cho Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và kiến nghị tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp từ mức dưới 50% như quyết định hiện hành của Thủ tướng lên tối thiểu trên 65%.
Ngoài ra, Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nhà nước tối thiểu lên trên 51%, một vài trường hợp lên trên 65% đối với một loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công ích như Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội, Công ty Công viên Thống Nhất, Công ty Vườn thú Hà Nội, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội...
Đề xuất này của Hà Nội đã không nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành hữu quan. Tại các văn bản tham gia ý kiến đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình cổ phần hoá và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp của Hà Nội và TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đều thống nhất đề nghị hai địa phương lớn nhất cả nước này cần thực hiện nghiêm túc việc cổ phần hoá các doanh nghiệp theo kế hoạch phê duyệt.
Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ này cho rằng, đối với các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công ích, cung cấp nước sạch, thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh hoặc doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương…, theo quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Tuy nhiên, để đảm bảo có thể hoàn thành cổ phần hoá theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, có thể xem xét, chấp thuận đề xuất để Nhà nước nắm giữ chi phối trên 50% đến dưới 65% tại doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, chứ không thể nắm giữ trên 65%.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương cổ phần hóa rất chậm, vào loại chậm trễ nhất trong số các địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, thủ trưởng, người đứng đầu địa phương cần nghiêm túc chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.