Chiều ngày 18/2, Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ (DISE), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), đã tổ chức hội thảo tham vấn với chủ đề “Khuyến khích khu vực tư nhân tiếp cận và tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”. Hội thảo không chỉ là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, mà còn đánh giá những thách thức lớn trong nỗ lực huy động vốn đầu tư tư nhân vào chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo |
Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, Chủ nhiệm bộ môn Đầu tư tài chính - Khoa tài chính ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn vốn chủ đạo cho các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn này, chủ yếu do thiếu một khung pháp lý ổn định nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính.
Theo bà Nhung, các ngân hàng thương mại, dù trong hay ngoài nước, vẫn tỏ ra thận trọng khi tài trợ các dự án có thời gian hoàn vốn dài như điện gió và điện mặt trời. Do hạn chế về nguồn vốn trong nước, nhiều doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm các khoản vay từ các tổ chức tài chính quốc tế. Tuy nhiên, dòng vốn này thường đi kèm với những yêu cầu khắt khe về bảo lãnh và cam kết từ Chính phủ.
"Nếu không có sự cải thiện về khung pháp lý, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức", bà Nhung đánh giá.
Bàn về mô hình hợp tác công - tư (PPP), bà Vũ Quỳnh Lê, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng hiện đang có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chính đến từ các vấn đề liên quan đến cơ chế mua bán điện, bảo lãnh doanh thu và các cam kết tài chính từ phía Nhà nước.
Một trong những ví dụ điển hình được đưa ra tại hội nghị là các dự án nhiệt điện than chuyển tiếp. Bà Lê phân tích, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng toàn cầu, các tổ chức tài chính quốc tế ngày càng thận trọng hơn với các dự án liên quan đến nhiệt điện than, khiến doanh nghiệp khó tìm được nguồn vốn phù hợp. Cùng lúc đó, Chính phủ cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp bảo lãnh tài chính, làm cho các dự án này gặp nhiều trở ngại trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, bà Lê nhấn mạnh rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – đơn vị chủ chốt trong ngành điện – cũng không đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ bao tiêu nhiên liệu cho các dự án có quy mô công suất lớn, dẫn đến việc các nhà đầu tư phải cân nhắc nhiều hơn khi tham gia vào thị trường.
Trước những khó khăn về tài chính truyền thống, các chuyên gia đề cập tới tiềm năng của trái phiếu xanh như một công cụ huy động vốn bền vững. Hình thức này đang dần được chú ý tại Việt Nam, tuy nhiên tổng giá trị phát hành vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.
Theo thống kê của FiinRatings, trong 11 tháng năm 2024, thị trường trái phiếu Việt Nam ghi nhận bốn đợt phát hành trái phiếu xanh với tổng giá trị đạt 6.870 tỷ đồng, chiếm khoảng 2% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng. Mặc dù đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính bền vững, nhưng con số này chưa tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo.
Trong các đợt phát hành, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I đã huy động 1.000 tỷ đồng để tài trợ cho các dự án nuôi trồng và sản xuất cá tra theo mô hình bền vững. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng tham gia với 2.000 tỷ đồng trái phiếu xanh, hướng đến các dự án bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình – Xuân Mai đã gọi vốn thành công hơn 875 tỷ đồng thông qua kênh tài chính này. Trong khi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững nhằm hỗ trợ các dự án liên quan đến môi trường và an sinh xã hội.
Tất cả các đợt phát hành trên đều tuân thủ Nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA) và được FiinRatings đánh giá độc lập, đảm bảo tính minh bạch và tăng cường niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thị trường trái phiếu xanh thực sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án phát triển bền vững, cần có thêm những chính sách hỗ trợ nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và thu hút nhiều hơn sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phân tích về vấn đề này, TS. Gavin Harper từ Viện nghiên cứu Faraday (Đại học Birmingham) đã chia sẻ kinh nghiệm của Anh trong việc phát triển các khu đổi mới năng lượng (EIZs) tại vùng West Midlands. Theo ông Harper, các khu vực này được thiết kế để thúc đẩy đổi mới công nghệ carbon thấp, phát triển mô hình kinh doanh mới và loại bỏ rào cản pháp lý. Ông nhấn mạnh rằng, Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình này để thu hút vốn tư nhân và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi năng lượng.
Trong khi đó, bà Vũ Quỳnh Lê nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách cơ chế, bao gồm việc đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án, tăng cường bảo lãnh doanh thu và đảm bảo cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng giữa các bên liên quan.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật của DISE cũng đưa ra một số khuyến nghị quan trọng, bao gồm việc áp dụng các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư PPP các thỏa thuận tài chính hỗn hợp. Đồng thời, để thúc đẩy dòng vốn FDI vào lĩnh vực năng lượng, cần đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế có kinh nghiệm, điển hình như Xuân Cầu - B. Grimm Power hay Sunseap.
Theo các chuyên gia, việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và cam kết giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia.