Nhiều quỹ đầu tư thắng lớn nhờ cách chọn danh mục

Nhiều quỹ đầu tư thắng lớn nhờ cách chọn danh mục

(ĐTCK) Nhiều quỹ đầu tư trên thị trường Việt Nam đã thắng lớn khi giá trị tài sản ròng (NAV) và tài sản ròng trên chứng chỉ quỹ (NAV/CCQ) tăng cao tính đến giữa tháng 11. Lựa chọn danh mục qua phân tích chặt chẽ, giao dịch kỷ luật với tầm nhìn dài hạn được xem là những nhân tố làm lên thành công của các quỹ.

Những mức sinh lời ấn tượng

Từ đầu năm đến giữa tháng 11, nhiều quỹ đầu tư đạt mức tăng trưởng NAV/CCQ trên 20%, một số quỹ đạt mức tăng trên 40%.

Theo báo cáo của Quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), được quản lý bởi Dragon Capital, tính đến 15/11/2017, NAV/CCQ của VEIL đạt 6,4 USD/CCQ, tăng 45,45% so với đầu năm, tỷ lệ cao nhất đạt được trong 5 năm qua. Quy mô tài sản ròng của VEIL tăng 44,9% so với cuối năm 2016, đạt 1.408,8 triệu USD.

Một quỹ khác do Dragon Capital quản lý và đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam là VietNam Equity Fund (VEF) vừa báo cáo mức tăng trưởng NAV/CCQ đến ngày 15/11 là 24,26% so với đầu năm, vượt qua mức tăng 19,36% của năm 2016.

Tại VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư có giá trị tài sản lớn nhất trong nhóm được Vina Capital quản lý, báo cáo đến ngày 10/11 cho biết, NAV/CCQ đạt 4,96 USD, tăng 18,5% so với đầu năm (năm 2016, NAV/CCQ của quỹ này tăng 25,5%). Giá trị tài sản ròng đạt 984,4 triệu USD, tăng 13,97% so với con số 863,7 triệu USD thời điểm đầu năm.

Đối với Quỹ PYN Elite Fund (Phần Lan), tính đến ngày 16/11, NAV/CCQ đạt 316,7 EUR, tăng 20,41% so với đầu năm.

Có 5 quỹ mở đầu tư cổ phiếu và 3 quỹ cân bằng tại thị trường Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2 con số kể từ đầu năm 2017. Trong đó, VFMVF4 và VFMVF1 - 2 quỹ đầu tư được quản lý bởi Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM), tăng trưởng NAV/CCQ lần lượt là 28,37% và 27,2%; Quỹ đầu tư năng động ENF đạt mức tăng 27,06%; Quỹ lợi thế cạnh tranh bền vững (SSI-SCA) đạt mức tăng 23,42%; 2 quỹ VCBF-BCF và VCBF-TCF được quản lý bởi Công ty Quản lý quỹ Vietcombank tăng trưởng lần lượt 21,98% và 18,69%.

Trong cùng khoảng thời gian, VN-Index tăng 34%, nhưng thực tế, có không ít cổ phiếu giảm giá và trong số các mã tăng giá, nhiều mã có mức tăng thấp. Bởi lẽ, VN-Index so sánh giá trị vốn hóa thị trường hiện tại với giá trị vốn hóa thị trường cơ sở nên mức tăng giá của một số cổ phiếu vốn hóa lớn (chủ yếu do khối lượng cổ phiếu niêm yết lớn) đóng góp không nhỏ vào mức tăng điểm của chỉ số (tất nhiên, giá trị vốn hóa thị trường cơ sở trong công thức tính VN-Index được điều chỉnh trong các trường hợp như niêm yết mới, hủy niêm yết và các trường hợp có thay đổi về vốn niêm yết).

Hiệu quả từ lựa chọn danh mục

Theo báo cáo của VEIL, tại ngày 8/11/2017, 10 cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất, chiếm 55% NAV của Quỹ lần lượt là: MWG (9,55%), VNM (7,54%), MBB (6,53%), ACB (6,52%), KDH (5,15%), FPT (5,09%), GAS (4,3%), ACV (4,09%), HPG (3,5%), VJC (3,24%).

Tương tự, danh mục 10 cổ phiếu lớn nhất của VOF hiện tại bao gồm VNM, HPG, PNJ, KDH, QNS, ACV, EIB, CTD VJC, NVL, được phân bổ tỷ trọng gần 60% NAV.

Với PYN Ellite Fund, MWG đang là cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục, chiếm 17,1% NAV của Quỹ, sau đó là HBC (8,7%), CII (7%), KDH (4,8%), MSN (4,5%), VCG (4,1%)…

Nhìn chung, nhóm cổ phiếu dẫn đầu trong phân bổ tỷ trọng NAV của hầu hết các quỹ đều là những cái tên quen thuộc như: VNM - doanh nghiệp hàng đầu ngành sữa; VJC và ACV - doanh nghiệp đầu ngành dịch vụ hàng không; HPG và HSG - chiếm thị phần lớn trong ngành tôn, thép; MWG - doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ; CTD, HBC - doanh nghiệp đầu ngành xây dựng...

Xu hướng lựa chọn các doanh nghiệp vốn hóa lớn, cơ bản, đầu ngành, có kết quả kinh doanh tăng trưởng đã đem lại hiệu quả hoạt động cho các quỹ đầu tư trong 2017, khi giá các cổ phiếu này tăng cao. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2017, thị giá (bao gồm cả cổ tức) cổ phiếu VNM, HPG tăng trên dưới 40%; mức tăng của MWG, MBB gần 70%. Đặc biệt, những quỹ đầu tư nắm giữ cổ phiếu HBC như PYN Elite Fund đã có 1 năm thắng lớn khi thị giá tăng gấp đôi.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu niêm yết, các quỹ còn lựa chọn các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, hoặc sắp niêm yết để đón đầu cơ hội tăng giá. Tại hội nghị thường niên các nhà đầu tư giữa tháng 10/2017, VOF cho biết, phần lớn danh mục thị trường vốn (cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết) được Quỹ tham gia từ giai đoạn đầu tư thương lượng, hoặc trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Các khoản đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa từ năm 2013 của VOF có giá trị tổng cộng 367 triệu USD, với 65 doanh nghiệp, đã thoái vốn khỏi 56 công ty, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 11%.

Sau những thương vụ đầu tư hiệu quả vào các doanh nghiệp IPO và trước khi niêm yết như VJC, NVL, ACV trong năm 2016, đầu tháng 8/2017, các quỹ thuộc Dragon Capital và VinaCapital tiếp tục mua trọn 30% cổ phần tại FPT Retail khi FPT bán để giảm sở hữu. FPT Retail là đơn vị quản lý chuỗi bán lẻ thiết bị di động FPT Shop, có ý định lên sàn trong những tháng đầu năm 2018.

Khác với phần lớn nhà đầu tư cá nhân có xu hướng “lướt sóng” theo dòng tiền, phân tích kỹ thuật, hay tin đồn, hoặc “phím hàng” của môi giới…, hoạt động đầu tư của các quỹ đầu tư cho thấy sự phân tích chặt chẽ, tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt từ lựa chọn danh mục, phân bổ danh mục, quản trị rủi ro đến giao dịch. Chính việc tìm hiểu kỹ, tham gia sớm từ giai đoạn “tiềm năng”, thể hiện tầm nhìn dài hạn với niềm tin và bản lĩnh cả khi thị trường có diễn biến xấu đã mang lại hiệu quả đầu tư cao.

“Khối ngoại tìm hiểu rất kỹ doanh nghiệp, với tầm nhìn dài hạn. Sau khi đầu tư, nhiều quỹ cử người tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban điều hành doanh nghiệp. Điều này làm cho quỹ hiểu rõ doanh nghiệp có điểm mạnh, điểm yếu gì, doanh nghiệp cần gì và thiếu gì”, một chuyên gia phân tích nhận xét.

Bên cạnh lựa chọn danh mục, một trong những nhân tố quan trọng làm lên thành công của các quỹ còn ở sự quyết liệt, kỷ luật và không do dự mỗi khi chốt lời/thoái vốn trong đầu tư.

Ngày 18/10, PYN Elite Fund công bố đã bán ra hơn 2 triệu cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP, giảm số lượng sở hữu xuống 23,21 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm còn 4,94%. Trước đó, quỹ này liên tục giảm tỷ lệ sở hữu tại KBC.

Tính chung, từ đầu tháng 9/2017 đến đến 3/11/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 50,98 triệu cổ phiếu KBC, chiếm 34% khối lượng giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận tại cổ phiếu này, trong đó lượng bán ròng áp đảo là 35,9 triệu đơn vị. Không loại trừ khả năng, sau khi không còn là cổ đông lớn, PYN Elite Fund đã thoái toán bộ cổ phiếu KBC sau gần 4 năm đầu tư (kể từ khi mua trái phiếu chuyển đổi đầu năm 2014).

Tại Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), ngay sau khi lên sàn, Credit Suisse AG và WP Investments thuộc Warburg Pincus đã bán gần 260,45 triệu cổ phiếu VRE, giá trị hơn 10.500 tỷ đồng ngày 7/11. Theo đó, Credit Suisse AG và WP Investments chốt lời 73,7% khoản đầu tư vào VRE, khi giá trị đầu tư ban đầu khoảng hơn 300 triệu USD (từ năm 2013).

Phong cách mua, bán mạnh mẽ khi đầu tư/thoái vốn mà 2 quỹ ETF Market Vectors VietNam ETF (V.N.M) và FTSE VietNam Index ETF (FTSE) với những lệnh ATC hàng triệu đơn vị trong phiên cuối cùng của mỗi kỳ cơ cấu danh mục hàng quý đã trở thành “thương hiệu”. Đây được xem là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của các quỹ bên cạnh lựa chọn danh mục và kỷ luật đầu tư.

Thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan đã giúp nhiều quỹ đầu tư cổ phiếu trong và ngoài nước đạt mức tăng trưởng mạnh cả về tài sản ròng và tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, khi thị trường không thuận lợi mới là thời điểm thể hiện rõ nét hiệu quả của đội ngũ quản lý quỹ.

Tin bài liên quan