DNNN vẫn được ưu tiên tiếp cận những nguồn lực lớn trong nền kinh tế

DNNN vẫn được ưu tiên tiếp cận những nguồn lực lớn trong nền kinh tế

Nhiều quan ngại với tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

(ĐTCK) Khu vực kinh tế nhà nước vẫn tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi trong tiếp cận các nguồn lực khiến thị trường bị biến dạng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm tiến trình tái cấu trúc DNNN, cũng như gây cản trở sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Hiện trạng này khiến cộng đồng DN trong và ngoài nước đặc biệt quan ngại tại Diễn đàn Doanh nghiệp giữa kỳ vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đánh giá về vai trò của DNNN tại Việt Nam, Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) cho rằng, DNNN từng có vai trò đặc biệt quan trọng và hiện vẫn tiếp tục là xương sống của nền kinh tế Việt Nam. Theo EuroCham, mặc dù số DN được Nhà nước nắm giữ 100% vốn đã giảm khá ấn tượng từ 12.000 năm 1990 xuống còn 800 DN hiện nay, song theo số liệu thống kê chính thức công bố gần đây, với tỷ trọng chiếm khoảng 35% GDP của Việt Nam và khoảng 30% doanh thu của Nhà nước trong năm 2013, cho thấy DNNN vẫn thực sự đóng vai trò hết sức quan trọng.

Mặc dù chiếm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, song theo EuroCham, so với các công ty tư nhân, hiệu quả sử dụng vốn của DNNN tại Việt Nam còn ở mức rất thấp, nợ của DNNN vẫn đang đè nặng lên ngân sách nhà nước. Hơn nữa, khó khăn còn tồn tại trong việc tách biệt chức năng của Nhà nước khi Nhà nước nắm vai trò là người sở hữu và điều tiết thị trường, cũng như khó khăn trong việc công khai thông tin với công chúng.

“Trên thực tế, DNNN tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi, chẳng hạn trong tiếp cận vốn, đất đai và các khoản trợ cấp, dẫn đến việc bóp méo thị trường và cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực tư nhân và khu vực Nhà nước. Mặc dù DNNN độc lập về pháp lý và tài chính, Nhà nước vẫn thường giữ quyền kiểm soát như thông qua quyền bổ nhiệm phần lớn các thành viên hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, điều đáng tiếc là chúng ta không thể nhận thấy có một sân chơi bình đẳng giữa các công ty tư nhân và các DNNN”, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham bày tỏ quan ngại. Vị chuyên gia này dẫn chứng một ví dụ liên quan trong lĩnh vực dược phẩm là việc các DN có vốn đầu tư nước ngoài và một số sản phẩm dược phẩm nhập khẩu không phải lúc nào cũng được phép tham gia trực tiếp vào thủ tục đấu thầu.

Nhận định về tiến độ tái cơ cấu của khu vực kinh tế nhà nước, theo Euro Cham, thời gian qua, nhiều đợt tái cấu trúc DNNN đã đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế, tiến trình vẫn diễn ra với tốc độ chậm.

“Việt Nam dường như chưa sẵn sàng tái cấu trúc các DNNN chiến lược. Trong khi các DNNN nhỏ và làm ăn thua lỗ đã được sáp nhập hay thanh lý, cho đến nay Nhà nước vẫn mong muốn giữ lại quyền kiểm soát các DNNN lớn”, ông Tomaso nhận xét. Cũng theo vị Phó chủ tịch, dù Chính phủ Việt Nam đang theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng để cổ phần hóa 289 DNNN vào năm 2015, thì EuroCham vẫn nhận thấy cổ phần hóa DNNN trong thực tế vẫn chưa đạt hiệu quả cao.

 “Một ví dụ có thể thấy rõ là số lượng cổ phiếu dành cho các nhà đầu tư tư nhân thường được đánh giá là quá nhỏ để thu hút đầu tư chiến lược từ khối tư nhân một cách hiệu quả (chỉ từ 5% đến 20% cổ phiếu được chào bán ra thị trường). Trong khi trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thường chỉ quan tâm đến việc mua cổ phần DNNN nếu họ có thể nắm quyền ra quyết định trong DN. Tuy nhiên, thay vào đó, Nhà nước có xu hướng giữ quyền bổ nhiệm tất cả hoặc  phần lớn thành viên hội đồng quản trị và như đã phân tích, DNNN tiếp tục được hưởng ưu đãi hơn các DN tư nhân. Với những lý do này, cho đến nay, sự quan tâm từ khu vực tư nhân nước ngoài trong việc đầu tư vào DNNN vẫn còn khá thấp”, ông Tomaso bình luận.

Cũng đặc biệt quan tâm tới tiến trình tái cơ cấu khu vực DNNN, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) bày tỏ mối quan ngại tương tự về sự chậm trễ trong tiến trình tái cơ cấu nói chung và cổ phần hóa nói riêng đối với khu vực này.

“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng, quá trình cổ phần hoá diễn ra rất chậm và trong một số trường hợp chỉ tiến hành trên danh nghĩa. Hiện nay, có một thực tế là rất khó xác định mức độ một phần thiểu số có thể thay đổi hoạt động quản trị, sự phụ thuộc vào Nhà nước, hoặc sức mạnh của các DNNN được cổ phần hóa một phần để lấn át sự phát triển khu vực tư nhân”, bà Sherry Boger, Chủ tịch Amcham nhấn mạnh và nói thêm rằng, đây là những tồn tại mà Việt Nam cần xem xét trong tiến trình tái cơ cấu cũng như cần có những biện pháp thiết thực để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả hoạt động này trong thời gian tới.

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả quá trình tái cơ cấu nói chung cũng như cổ phần hóa nói riêng, ông Tomaso khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN thêm nữa và đặc biệt chú trọng chất lượng tái cơ cấu.

Tiến trình này có thể góp phần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhờ tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu, thậm chí giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, cổ phần hóa và cải cách quản trị của các DNNN chỉ hiệu quả khi có một tầm nhìn rõ ràng và có một cam kết thật sự để hiện thực hóa những cải cách.

“Chúng tôi thừa nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách quản trị của các DNNN theo Luật Doanh nghiệp mới ban hành. Tuy nhiên, chúng tôi đồng thời cũng khuyến khích những nỗ lực hơn nữa để thực sự tạo ra một sân chơi bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh giữa các DNNN và các công ty tư nhân. Cải cách quan trọng nhất là mở cửa thị trường năng lượng mà hiện nay hầu hết vẫn đang được đặt dưới sự kiểm soát của các công ty độc quyền nhà nước. Sự cạnh tranh trong thị trường này sẽ mang lại tính minh bạch cũng như tăng thêm nguồn vốn đầu tư dồi dào đến từ cả trong nước và quốc tế”, đại diện EuroCham nhấn mạnh.

Cần có chương trình hành động tổng thể phát triển khu vực tư nhân

Nhiều quan ngại với tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI
 

Dù đã có nhiều nỗ lực song đến nay hiệu quả hoạt động của khu vực DN tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% DN vẫn kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún.
Trong số các DN tư nhân đang hoạt động thì lượng DN lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của khu vực DN tư nhân trong nước.

Nhưng xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa. Để khu vực DN tư nhân trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, chúng tôi đề nghị Chính phủ có chương trình hành động tổng thể thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội và Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế quan trọng này.

Cảm nhận về môi trường thật sự tốt hơn với DN tư nhân chưa thật sự rõ ràng

Nhiều quan ngại với tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ảnh 2

Ông Trần Anh Vương, Phó chủ tịch thường trực Hội DN trẻ Hà Nội
 

Những nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách và khung khổ luật pháp kinh doanh quan trọng gần đây đã giúp các DN có cảm nhận rõ hơn về mong muốn cải cách của Chính phủ, nhất là đối với khối DN tư nhân. Tuy nhiên, cảm nhận về một môi trường thật sự tốt hơn với DN tư nhân thì chưa thật sự rõ ràng.

Các DN tư nhân đang rất tích cực đầu tư vào các ngành công nghệ có giá trị gia tăng, có tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, hiện tại các hỗ trợ của Nhà nước phần lớn mới chỉ dừng lại ở động viên, khuyến khích. Cũng trong bối cảnh đó, các DNNN nhận được nhiều ưu đãi hơn trong việc tiếp cận tài nguyên đất, rừng, khoáng sản hay các dự án xây dựng hạ tầng đồ sộ.

Hiện tại, nguồn vốn vẫn đang tiếp tục được đổ vào xây dựng cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp Nhà nước nắm giữ, trong khi nhiều sự kiện gần đây cho thấy DNNN không tạo ra thêm nhiều việc làm, đầu tư chưa hiệu quả, thậm chí làm thất thoát vốn, tạo thêm gánh nặng chi phí rất lớn, giảm khả năng cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ nhanh chóng đưa ra những hình thức đầu tư mới, đảm bảo các DN có thể bình đẳng tiếp cận nguồn vốn qua một thị trường mở, minh bạch và công bằng.

Tin bài liên quan