Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) nằm trong số những ngân hàng trung ương đang tìm cách kiểm soát lạm phát cao kỷ lục bằng việc tăng lãi suất. Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên phạm vi 1,5% - 1,75% vào tháng 6 và Chủ tịch Jerome Powell đã chỉ ra rằng có thể có một động thái tương tự khác vào tháng 7.
Hầu hết những người tham gia thị trường đều kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục đà tăng cho đến ít nhất là cuối năm sau. Nhưng, không phải ai cũng đồng ý.
“Chúng ta có thể thực sự tăng lãi suất vào thời kỳ suy thoái ngay cả khi lạm phát cao không? Điều đó sẽ là bất thường”, Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại UniCredit cho biết.
“Có khả năng rất cao Fed sẽ cắt giảm lãi suất, đại loại là vào cuối năm sau hoặc một điều gì đó, và đây lại là câu chuyện suy thoái”, ông cho biết.
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng cả nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro đều có thể đối mặt với suy thoái. Đầu tháng này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào thời kỳ lạm phát cao trong khi tăng trưởng kinh tế suy yếu như những năm 1970.
Nếu điều này xảy ra, một số nhà phân tích cho rằng việc tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới là không thể chấp nhận được và có nguy cơ ảnh hưởng xấu hơn đến nền kinh tế.
Michael Yoshikami, người sáng lập của Destination Wealth Management cũng nhận định rằng, lo ngại suy thoái có thể châm ngòi cho việc cắt giảm lãi suất sớm nhất là trong năm nay.
“Lạm phát đang hoành hành ngay bây giờ. Cục Dự trữ Liên bang sẽ đưa ra nhiều tín hiệu rất mạnh mẽ rằng họ đang tìm cách kiểm soát lạm phát, điều đó sẽ đưa nền kinh tế rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm, lạm phát cao hoặc một môi trường suy thoái và sau đó tôi nghĩ Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau đó”, ông Michael Yoshikami cho biết.
Tuy nhiên, sự đảo ngược chính sách này không phải là trường hợp cơ bản của Fed. Khi được hỏi liệu Mỹ sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào năm tới vì suy thoái tiềm ẩn hay không, Loretta Mester, Chủ tịch Fed Cleveland cho biết: “Tôi không thấy điều đó trong cơ sở của mình, nhưng một lần nữa, chúng tôi chỉ sẽ phải đánh giá các điều kiện kinh tế trên thực tế khi chúng tôi tiến lên”.
Bà không kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào một cuộc suy thoái, nhưng cho thấy tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nay.
Trong khi đó, đối với nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp, suy thoái là điều hiển nhiên. Trên thực tế, Cathie Wood, Giám đốc điều hành Ark Invest cho rằng Mỹ đã ở trong một cuộc suy thoái.
Công cụ theo dõi GDP của Fed cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến tới suy thoái. Công cụ theo dõi GDPNow của Fed tại Atlanta hiện chỉ ra tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm 1% trong quý II sau khi giảm 1,6% trong quý I.
Khả năng ngừng tăng trưởng này là lý do tại sao các nhà kinh tế học Berenberg kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm tới. Các nhà kinh tế dự báo lãi suất của Fed đạt đỉnh trong khoảng 3,5% -3,75% trong nửa đầu năm 2023.
"Chúng tôi dự đoán rằng Fed sau đó sẽ tạm dừng tăng lãi suất và giảm lãi suất để đáp ứng với lạm phát thấp hơn và các điều kiện suy thoái, trong đó bao gồm tỷ lệ thất nghiệp tăng rõ rệt từ quý IV/2023 trở đi và lãi suất sẽ dao động trong mức 2,75% - 3% vào cuối năm 2024”, các nhà kinh tế học Berenberg cho biết.
ECB cho đến nay đã xác nhận ý định tăng lãi suất vào tháng 7 sau 11 năm, và sau đó sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng 9.
Thành viên Hội đồng Thống đốc ECB Robert Holzmann cho biết, có rất nhiều dư địa để tiếp tục tăng lãi suất sau tháng 9.
“Chúng tôi sẽ phải đánh giá xem sự phát triển kinh tế sẽ đi đến đâu và lạm phát ở đâu và sau đó có nhiều khả năng để tăng ở mức 0,25% và 0,5% đến bất kỳ mức nào mà chúng tôi cho là hợp lý”, ông Holzmann cho biết.
Berenberg dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm 0,4% và khu vực đồng euro giảm 0,8% vào năm 2023.