Lỗ lớn vì dịch bệnh
Trong báo cáo hoả tốc gửi Thủ tướng Chính phủ cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc CMSC mới đây, số liệu cập nhật đến cuối tháng 3/2020 cho thấy, dự kiến doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty này trong 3 tháng đầu năm giảm hơn 27.300 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; 7 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu không cân đối được thu chi.
Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. VNA đã dừng toàn bộ các đường bay quốc tế và duy trì khai thác các đường bay nội địa ở mức tối thiểu.
Từ tháng 3/2020, VNA đã buộc phải đơn phương chậm thanh toán một số khoản nợ đến hạn.
Vào đầu năm, VNA có lượng tiền dự trữ khoảng hơn 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt, doanh nghiệp này đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán.
Dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20/3 đã lên tới 3.568 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Nếu dịch bệnh kéo đến quý IV/2020, tổng doanh thu của Hãng hàng không Quốc gia có thể giảm hơn 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch, ước lỗ gần 20.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực hàng không là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng chịu tác động mạnh.
Tổng doanh thu của ACV trong quý I ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Dự kiến cả năm, doanh thu của ACV chỉ đạt hơn 11.300 tỷ đồng, giảm hơn 10.200 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm; lợi nhuận dự kiến chỉ còn 1.476 tỷ đồng, giảm hơn 9.300 tỷ đồng so với kế hoạch cả năm.
ACV dự kiến kịch bản, với thị trường quốc tế, trong tháng 5/2020 sẽ phục hồi dần một số đường bay Trung Quốc; đường bay châu Âu, Hàn Quốc tạm dừng đến hết tháng 7/2020; các đường bay khác dự kiến tháng 8/2020 sẽ phục hồi nhưng chậm.
Với thị trường trong nước, đến tháng 5/2020, sản lượng sẽ tiếp tục giảm mạnh 60 - 70% và bắt đầu phục hồi từ tháng 6/2020.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi lịch học điều chỉnh của học sinh, sinh viên nên khả năng sản lượng tăng đột biến trong đợt cao điểm hè như mọi năm sẽ không như kỳ vọng.
Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ước giảm 15 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2020, do việc hạn chế nhu cầu đi lại của người dân trong mùa dịch.
Nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài đến quý IV/2020, VEC ước lỗ khoảng 140 tỷ đồng, doanh thu giảm 552 tỷ đồng so với kế hoạch.
Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) trong quý I vừa qua ước đạt doanh thu vận tải hành khách 527 tỷ đồng, giảm 65 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; lỗ khoảng 100 tỷ đồng do không có khách đi tàu, các công ty thành viên phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế.
Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ khoảng 700 - 900 tỷ đồng, tuỳ thời điểm kết thúc dịch Covid-19.
Với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), hoạt động vận tải biển bị ngưng trệ do nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và tiếp theo là thị trường châu Âu và Mỹ.
Hệ thống các cảng của Vinalines đều bị ảnh hưởng do các tàu hủy lịch không đến cảng, hoặc hủy chuyến, hoặc neo chờ thậm chí lên đến 10 ngày; các hoạt động vận tải, kho bãi giảm sản lượng khoảng 40% so với cùng kỳ.
Hầu hết đội tàu của Vinalines không đủ việc làm, dẫn tới không có dòng tiền trả nợ và chi phí duy trì đội tàu, hoạt động tạm nhập tái xuất và hoạt động của các cảng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là chi phí lưu kho tăng cao.
Doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm ước đạt 2.218 tỷ đồng, giảm 626 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; ước lỗ hợp nhất 113 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có truyền thống lợi nhuận ổn định là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam quý I năm nay cũng dự kiến suy giảm lãi mạnh.
Tổng doanh thu Tập đoàn ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 1.706 tỷ đồng so với cùng kỳ năm, lợi nhuận ước giảm hơn 500 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của Tập đoàn giảm 12.517 tỷ đồng, lợi nhuận giảm hơn 1.100 tỷ đồng, nếu dịch kéo dài đến quý IV.
Nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu sụt giảm, theo lãnh đạo Petrolimex, là do Tập đoàn có hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và xăng dầu là mặt hàng cần phải có đủ dự trữ tồn kho.
Quý I/2020, giá xăng dầu thế giới giảm quá nhanh với biên độ lớn (giảm 60%) đã tác động đến giá vốn tồn kho của Petrolimex.
Trong trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các hãng hàng không trong nước và quốc tế tiếp tục tạm dừng các chuyến bay trong nước và quốc tế, nhu cầu vận tải đường thủy, đường bộ sụt giảm mạnh khiến sản lượng xuất bán xăng dầu thấp, dự trữ tồn kho tăng cao sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đến tình hình sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn.
Tổng hợp của CMSC cho biết, nếu dịch bệnh kéo dài đến cuối năm, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng hơn 270.000 tỷ đồng so với kế hoạch; 8/19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng hơn 26.300 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước giảm khoảng hơn 32.800 tỷ đồng so với kế hoạch.
Ðề xuất hàng loạt giải pháp
Trước tác động của dịch bệnh, CMSC đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty quán triệt và thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch, vừa phải bảo đảm yêu cầu chống dịch vừa phải đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cụ thể, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản (TKV), Petrolimex bảo đảm cung cấp đủ điện, xăng dầu cho nhân dân và phục vụ sản xuất; VNA, ACV, VNR, VEC bảo đảm hoạt động giao thông phục vụ công tác kiểm soát dịch hiệu quả, kịp thời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ là tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch; Tổng công ty Lương thực miền Bắc, miền Nam bảo đảm cung cấp đầy đủ gạo, lương thực thiết yếu khác...
CMSC cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty cơ cấu lại nguồn tài chính doanh nghiệp, tính toán cụ thể các khoản nợ đến hạn, khả năng trả nợ để có giải pháp phù hợp; đa dạng hoá thị trường cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu, máy móc thiết bị, yếu tố đầu vào của hoạt động sản xuất; tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhất là các sản phẩm của các tập đoàn, tổng công ty trong cùng CMSC; đa dạng hoá các sản phẩm và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Ðể gói hỗ trợ kịp thời đến với doanh nghiệp, CMSC kiến nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt chậm trả trong thời gian dịch bệnh diễn ra, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để bảo đảm hoạt động sản xuất - kinh doanh cho Vinachem, VNR, VNA, PVN...
Ngân hàng Nhà nước được đề nghị sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động (trong đó, VNA đang rất khó khăn và đề nghị được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, bảo đảm thanh khoản cho doanh nghiệp).
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm hướng dẫn cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các dự án cấp bách sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước (theo phương án chỉ định thầu với điều kiện giảm 5% giá trị dự toán xây dựng) để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, giảm ách tắc nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã chuẩn bị, nhất là các dự án ngành điện, dự án hạ tầng hàng không như Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, các dự án nhiệt điện khí Ô Môn, đường dây tải điện Vân Phong - Vĩnh Tân, các dự án sửa chữa, nâng cấp sân bay, đường băng đang bị xuống cấp…