Tên tuổi lớn mờ nhạt
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) - DN có quy mô vốn 4.000 tỷ đồng - vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2013 đầy thất vọng với số lỗ thuộc tốp đầu trên TTCK: 173 tỷ đồng. Lũy kế lỗ 9 tháng của DN này lên tới gần 1.400 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ còn khoảng 1/3 so với vốn điều lệ.
Thời buổi khó khăn, chuyện thua lỗ đã trở nên khá bình thường. Tuy nhiên, việc các "đại gia" thuộc tốp đầu các ngành báo lỗ triền miên và nhiều lúc không có lối thoát là hiện tượng đáng quan tâm.
PVX được niêm yết từ năm 2009, vốn là một trong những cổ phiếu lớn nhất, được quan tâm hàng đầu trên sàn bởi đây là một cổ phiếu "có sóng", tính thanh khoản rất cao, NĐT "không bao giờ chết". Đây cũng là cổ phiếu lớn nhất, trụ cột trên sàn Hà Nội.
Tuy nhiên, đó đã là quá khứ. Hiện tại, rất nhiều cổ đông của PVX lo lắng bởi DN thua lỗ triền miền, giá cổ phiếu xuống dốc không phanh, hiện chỉ còn khoảng 2.500 đồng/cp. Nguy cơ bị hủy niêm yết cận kề - viễn cảnh u ám mà rất nhiều người cách đây vài năm không bao giờ nghĩ tới.
Theo quy định, nếu DN trên sàn lỗ 3 năm liên tiếp sẽ buộc phải rời sàn, trong khi DN này đã lỗ 2 năm liên tiếp trước đó (2011, 2012) và 9 tháng đã lỗ 1.400 tỷ đồng. Trong khi đó, DN đầu đàn trong lĩnh vực xây dựng dầu khí và bất động sản (BĐS) này gần như không có cửa lãi lớn (trên 1.400 tỷ đồng để bù đắp thua lỗ trong ba quý trước đó) trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn không có điểm sáng và các công ty con của PVX vẫn chìm ngập trong khó khăn.
Trước đó, giới đầu tư cũng từng bị sốc với cổ phiếu VSP của CTCP Vận tải biển và BĐS Việt Hải (tên trước đây là CTCP Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin).
Gần đây, VSP đang tính tới việc đổi tên một lần nữa, bỏ hẳn cụm từ "vận tải biển" thay bằng từ "dầu khí" nhưng xem ra khả năng "đổi vận" của DN này vẫn là một điều xa vời.
Giới đầu tư cũng không xa lạ gì với VSP - một cổ phiếu có sóng lớn, biên độ biến động giá thuộc hàng cao nhất sàn, với mức tăng từ 2 đến 5 lần trong một thời gian ngắn.
Sau khoảng 5 năm niêm yết, cuối cùng giá VSP đã giảm từ mức cao nhất là trên 300.000 xuống 1.500 đồng/cp như hiện tại, tương ứng giảm 200 lần. Nếu tính tới giá điều chỉnh, cổ phiếu VSP cũng giảm khoảng 50 lần, từ mức gần 100.000 đồng/cp xuống 1.500 đồng.
VSP đã chính thức bị hủy niêm yết tại HNX từ 1/6/2012 và hiện đang giao dịch trên UPCoM.
"Đế chế" vẫy vùng tìm cửa sống
Trên TTCK, rất nhiều DN lớn, thuộc tốp đầu của một lĩnh vực cũng làm cho giới đầu tư điên đảo bởi kết quả làm ăn be bét của mình.
Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV) của chủ tịch Nguyễn Văn An là một DN như vậy. Cổ phiếu này cũng đã bị hủy niêm yết từ tháng 7/2013. Và tất nhiên, nhiều NĐT cũng đã bị "mắc kẹt" với cổ phiếu của DN hàng đầu trong lĩnh vực cà phê này.
Điều đáng lo ngại là thông tin về DN này ngày càng khó tìm kiếm. Thông tin gần nhất cho thấy, doanh thu 6 tháng đầu năm của THV chưa đầy 1 tỷ đồng, trong khi tồn kho chất đồng, nợ ngân hàng chồng chất, chi phí tài chính hàng chục tỷ đồng/quý và vốn chủ sở hữu đã âm hàng chục tỷ đồng. Dòng tiền cạn kiệt khiến nhiều người lo ngại khả năng các NH sẽ vào cuộc siết nợ.
Cho dù đã cắm các tài sản cá nhân để hỗ trợ DN nhưng dường như tập đoàn của ông Nguyễn Văn An vẫn chưa có lối thoát. Hàng nghìn tỷ đồng vay nợ ngắn hạn đầu tư cho dài hạn, vào nhà xưởng, vườn cây... trong các năm trước đã khiến DN không ngóc đầu lên được, chìm dần vào vòng xoáy phá sản.
CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) - DN đứng đầu ngành vận tải biển - gần đây đảo ngược tình thế khó khăn, báo lãi gần 28 tỷ đồng trong quý III/2013 (so với khoản lỗ 28,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước) nhờ việc bán và bàn giao thành công 2 tàu hàng khô đóng từ năm 2000 và 1983. Giá cổ phiếu VOS đã tăng trần liên tiếp. Tuy nhiên, với nhiều người, lợi nhuận phát sinh thông qua bán tài sản mang tính bất thường. Nhìn chung, DN này vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn, với tổng nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, hoạt động cốt lõi không suôn sẻ, vẫn đang lỗ ròng. Trong 2 quý liền trước, VOS đã lỗ tổng cộng gần 200 tỷ đồng.
CTCK Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt
Tập đoàn Kinh Bắc (KBC) của ông Đặng Thành Tâm - một DN quy mô vốn gần 3.000 tỷ đồng và được đánh giá nắm giữ rất nhiều tài sản là BĐS, nhất là BĐS công nghiệp - cũng từng là một cổ phiếu rất nóng trên TTCK. Tuy nhiên, đế chế của đại gia Đặng Thành Tâm này cũng đã rệu rã với 6 quý thua lỗ liên tiếp (từ quý II/2012 - quý III/2013).
Các đế chế "họ" Sông Đà, "họ" dầu khí, "họ" Vinaconex, "họ" Viglacera... từng làm mưa làm gió trên TTCK trước đây, giờ cũng xẹp lép. Nhiều DN thuộc các "họ" này thua lỗ triền miên, thậm chí lên tới cả chục quý liên tiếp như SDB, S96... với lỗ lũy kế vượt cả vốn chủ sở hữu.
Lý do các DN thuộc tốp đầu các ngành báo lỗ triền miên, thậm chí đối mặt với phá sản, khá nhiều, nhưng có lẽ chủ yếu do đầu tư dàn trải, dồn vào BĐS với chi phí tài chính cực lớn. Khi kinh tế khủng hoảng, DN không thể trụ được bởi lợi nhuận lớn đến từ BĐS không còn (thậm chí lỗ), lợi nhuận từ hoạt động chính (như vận tải biển) nếu có cũng không đủ bù chi phí lãi vay... Đây có lẽ là nguyên nhân khiến không ít các "ông lớn", các blue-chips trên TTCK ngã ngựa, trở thành các con nợ, trở thành các cổ phiếu hạng "ruồi" với giá rẻ mạt.
>> Những “ông lớn” đuối sức trong HNX30