Tuần qua, thị trường cổ phiếu các quốc gia phát triển khu vực châu Mỹ, châu Âu và Đông Á ít biến động.
Kết thúc phiên giao dịch thứ Năm (8/6), chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến cổ phiếu công nghệ tăng giá mạnh (XLK +0,58%), giúp chỉ số NASDAQ lập mức cao nhất trong lịch sử, đạt 6321,76 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 điều chỉnh nhẹ.
Ngoài nhóm công nghệ, cổ phiếu tài chính (XLF +1,71%), ngân hàng (KBE +2,94%), kim loại và khai khoáng (XME +4,05%), vật liệu cơ bản (XLB +0,18%) cũng là tâm điểm tăng giá.
Cổ phiếu nhóm dịch vụ (XLU -1,09%), tiêu dùng thiết yếu (XLP -1,02%) tạm thời điều chỉnh sau chuỗi tăng giá mạnh 2 tuần liền trước.
Nhìn chung, dòng vốn vẫn tập trung vào cổ phiếu công nghệ và các lĩnh vực nhạy với tăng trưởng kinh tế Mỹ. Xu hướng phòng thủ tạm thời yếu đi, các tài sản là kênh trú ẩn an toàn tạm thời đứng giá trong tuần qua.
Thị trường châu Âu là trọng tâm của sự chú ý với hai sự kiện quan trọng là bầu cử ở Anh và cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Theo số liệu kiểm phiếu sơ bộ, Đảng Bảo thủ của bà Theresa May không có đủ đa số phiếu cần thiết để chiến thắng và nhiều khả năng sẽ phải chia sẻ số ghế trong Quốc hội cùng Đảng Lao động của ông Jeremy Corbyn.
Đây là kịch bản không được mong đợi bởi sự chia sẻ quyền lực như vậy sẽ khiến cho tiến trình đàm phán Brexit trở nên khó khăn, chưa nói đến việc phê chuẩn các điều luật dự kiến sẽ gặp khá nhiều trở ngại khi luôn xảy ra bất đồng quan điểm giữa các Đảng.
Phản ứng với kết quả sơ bộ này, đồng Bảng Anh mất giá khoảng 1% so với USD. Chứng khoán Anh phản ứng ngược chiều với diễn biến đồng tiền quốc gia, chỉ số FTSE 100 tăng 0,68% trong phiên cuối tuần, qua đó duy trì xu hướng tăng kể từ năm 2016.
Trong số các thị trường chứng khoán mới nổi, Trung Quốc là thị trường tăng điểm mạnh nhất. Tuần qua, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,76%.
Các thị trường khác như Ấn Độ, Brazil và Hàn Quốc duy trì xu hướng tăng dài hạn. Điều này góp phần giúp chứng chỉ quỹ đầu tư chỉ số vào các thị trường mới nổi tăng giá tốt hơn (EEM +0,53%) so với các thị trường phát triển (EFA -1,08%) và thị trường cận biên (FM +0,42%). Nhìn chung, cổ phiếu tiếp tục có sức hút với dòng vốn, tích cực hơn so với trái phiếu, hàng hóa và tiền tệ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến giao dịch lạc quan, chỉ số tiếp tục tăng giá, VN-Index tăng 1,47%. Chỉ số này lập mức cao nhất trong nhiều năm ở mức 755 điểm trong phiên thứ Năm nhờ lực đẩy của cổ phiếu ngân hàng (+4,65%).
Các nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh trong tuần qua còn có dược (+9,86%), khoáng sản (+6,51%), xi măng (+5,67%), cao su chế biến (+5,28%), thép (3,58%), càng biển (2,94%), vận tải (+2,59%), bất động sản (+2,36%) và điện (+2,36%).
Cổ phiếu dệt may (-1,46%), thủy sản (-1,92%) và một số cổ phiếu trong nhóm dầu khí chịu sức ép giảm giá.
Nhìn chung, xu hướng thị trường đang khá thuận lợi vì có nhiều nhóm ngành luân phiên hỗ trợ cho VN-Index như bất động sản, ngân hàng, chứng khoán và thép. Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa nhỏ lĩnh vực khoáng sản đang tranh thủ cơ hội thị trường thuận lợi để hút dòng tiền đầu cơ.
Chúng tôi nhận định, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong năm nay. Chiến lược xuyên suốt mà chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên theo đuổi là nắm giữ những cổ phiếu có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, hoặc đảm bảo tỷ suất cổ tức hấp dẫn.