Hụt hơi trên đường về đích
Không ít ngành hàng xuất khẩu buộc phải “lỗi hẹn” với mục tiêu xuất khẩu năm 2023 do tình hình thị trường diễn biến không như mong đợi, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ.
Từng mang về 16,5 tỷ USD trong năm 2022, nhưng năm 2023, ngành này không giữ được “phong độ”. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,8 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là sức mua tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu còn yếu; trong khi đó, tiêu thụ nội địa cũng chững lại do thị trường bất động sản trầm lắng, không có nhiều dự án mới.
Dự kiến trong 2 tháng cuối năm, doanh thu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 2,5 - 2,7 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành chỉ đạt khoảng 13,5 tỷ USD và mục tiêu xuất khẩu 17,5 tỷ USD của ngành gần như không thể hoàn thành.
Tương tự, xuất khẩu giày dép cũng cầm chắc lỗi hẹn. Năm 2022, mặt hàng này đóng góp 23 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu của cả nước, nhưng qua 10 tháng của năm nay mới mang về 16 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD (20,2%) so với cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp trong ngành tính toán, với kịch bản khả quan nhất, xuất khẩu giày dép chỉ có thể cán đích năm 2023 ở mức 19 tỷ USD, tức là vẫn “hụt hơi” 4 tỷ USD so với năm 2022.
Mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện sau chặng đường 10 tháng mới đạt 44 tỷ USD, giảm 6,34 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Sau rất nhiều năm dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, điện thoại và linh kiện đã phải “nhường ngôi” cho máy tính - linh kiện từ nhiều tháng nay. Với tình hình hiện tại, có thể khẳng định, xuất khẩu điện thoại và linh kiện không thể chạm tới mức 58 tỷ USD - kỷ lục thiết lập năm 2022, mà sẽ giảm khoảng 3 - 3,5 tỷ USD.
Ngành thủy sản đánh giá, dù các thị trường xuất khẩu hồi phục dần vào cuối năm, song cũng không thể lấp đầy được khoảng trống sụt giảm kéo dài trong nhiều tháng liền, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự kiến, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm chỉ đạt 9 tỷ USD, thấp hơn 17% so với năm 2022.
Đặt kế hoạch thận trọng
Dù không đạt được mục tiêu đã đề ra từ đầu năm, thậm chí còn giảm sút so với năm ngoái, nhưng kết quả dự kiến đạt được là rất đáng kể với từng doanh nghiệp, từng ngành hàng, ghi nhận tinh thần nỗ lực hết mình trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, sức mua sụt giảm mạnh.
Đối diện với khó khăn khi kinh tế suy giảm, đơn đặt hàng của các nhà nhập khẩu giảm cả về số lượng và giá trị, các doanh nghiệp đã tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, góp nhặt đơn hàng để mang về doanh thu khả quan nhất.
Bước vào năm 2023, nhận diện rõ thách thức, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) lên kế hoạch kinh doanh thận trọng với lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 50% so với năm 2022, tương ứng đạt 610 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất giảm nhẹ 11%, còn 17.500 tỷ đồng.
Dù đã nỗ lực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, tham gia các hội chợ quốc tế tại Mỹ để tìm hiểu xu hướng của nhà nhập khẩu, nhưng 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Tập đoàn mới đạt 71% kế hoạch, lợi nhuận chỉ đạt 40%.
Trước tình hình này, đầu tháng 11 vừa qua, Vinatex đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2023. Cụ thể, doanh thu hợp nhất được điều chỉnh giảm 6%, còn 16.500 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất giảm 39% so với mục tiêu ban đầu, xuống mức 370 tỷ đồng.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex chia sẻ, từ cuối năm 2022, thị trường dệt may đối mặt với nhiều khó khăn, như thiếu hụt đơn hàng, đơn giá thấp, doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, người lao động thiếu việc làm. “Căn cứ kết quả kinh doanh 9 tháng và dự báo tình hình những tháng cuối năm còn nhiều bất lợi, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh”, ông Trường nói.
Lúc này, phần lớn hiệp hội, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều chung nhận định, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối quý IV và đầu năm 2024 tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương chỉ ra rằng, đặc thù của ngành sản xuất công nghiệp trong nước là hướng vào xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu. Sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt, các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng khoảng 10% sản lượng cho thị trường nội địa, còn 90% là để xuất khẩu. Vì vậy, khi thị trường toàn cầu giảm mua, hoạt động sản xuất và xuất khẩu ngay lập tức sụt giảm và bị ảnh hưởng.
Nhìn về tương lai, năm 2024, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa hết khó, khi kinh tế toàn cầu tiếp tục đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, nhất là khi xung đột Nga - Ukraine và mới đây là Israel - Hamas chưa có dấu hiệu kết thúc. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của nhiều ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục thận trọng, dự trù sức mua chưa nhiều khởi sắc, hoặc nếu hồi phục thì cũng trên nền cầu thấp.