Là cảng nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Trung Quốc, thuộc Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, phía Nam Trung Quốc, Hữu Nghị Quan từng là nơi thông quan các chuyến sầu riêng nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan. Tuy nhiên, kể từ khi chính thức tiếp cận thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, sầu riêng tươi Việt Nam hiện đang nhanh chóng bắt kịp đối thủ Thái Lan.
Nông Lệ Thanh, tổng giám đốc một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, đang tất bật điều phối việc vận chuyển sầu riêng cho khách hàng của mình ở tỉnh Quảng Đông lân cận, cũng như tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc.
“Tính đến tháng 12 năm nay, chúng tôi đã nhập hơn 1.600 container sầu riêng. Ngoài Thái Lan, chúng tôi đã bắt đầu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam trong năm nay”, Nông Lệ Thanh khẳng định.
Tình yêu của người Trung Quốc với loại “trái cây vua” càng ngày càng lớn. Theo Tân Hoa Xã, năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu 825.000 tấn sầu riêng với giá trị lên tới 4,03 tỷ USD, đưa sầu riêng đứng đầu trong danh sách các loại trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc.
Cũng trong năm ngoái, sầu riêng Việt Nam, nổi tiếng với mùa thu hoạch kéo dài hơn và giá thấp hơn sầu riêng Thái Lan, đã được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc theo khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam.
“Một thập kỷ trước, trái cây từ các quốc gia Đông Nam Á như sầu riêng, măng cụt, dừa,… rất hiếm ở Trung Quốc nhưng giờ đây các loại quả này xuất hiện ở bất kỳ quầy bán trái cây nào tại các thành phố lớn của Trung Quốc, với giá cả ngày càng phải chăng”, Vương Chính Bác, chủ tịch một công ty trái cây có trụ sở tại Quảng Tây cho biết.
Hòa mình vào làn sóng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, năm ngoái, công ty của Vương Chính Bác đã ký hợp đồng với các trang trại sầu riêng Việt Nam, với diện tích gần 3.000 ha.
Vị doanh nhân cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu riêng Việt Nam trong năm nay để phục vụ nhu cầu của thị trường Trung Quốc”.
Ngày nay, Hữu Nghị Quan đã trở thành cảng đất liền sầm uất và thuận tiện nhất cho việc trao đổi xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tính đến ngày 13/12/2023, trạm kiểm tra biên giới xuất nhập cảnh tại Hữu Nghị Quan đã xử lý 400.000 phương tiện ra vào trong năm nay, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Hữu Nghị Quan là cảng đất liền lớn nhất để trái cây Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc. Vào giai đoạn cao điểm, có gần 300 xe tải vận chuyển sầu riêng, thanh long, mít và các loại trái cây khác của Việt Nam làm thủ tục thông quan mỗi ngày qua cửa ngõ này”, Đường Sơn, Cục trưởng Hải quan cảng Hữu Nghị Quan cho biết. Ông cũng nói thêm rằng dù gần đây đang là thời gian trái vụ sầu riêng nhưng mỗi ngày có hơn 30 container sầu riêng Việt Nam được nhập khẩu qua cảng.
Một người bán trái cây ở Bằng Tường cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam vào năm ngoái. Sầu riêng là loại trái cây bán chạy nhất trong số các loại trái cây nhập khẩu. Chúng tôi bán trái cây cả theo hình thức online lẫn offline, và từ đây trái cây sẽ được bán khắp Trung Quốc”.
Dữ liệu từ Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết 10 tháng đầu năm, giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam qua Hữu Nghị Quan đạt 91,44 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12,85 tỷ USD), tăng 271,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu trái cây là 11,71 tỷ nhân dân tệ (1,64 tỷ USD) tăng 637,9%. Giá trị nhập khẩu sầu riêng đạt 11,19 tỷ nhân dân tệ (1,57 tỷ USD) tăng 3.084,2%.
Ngoài Hữu Nghị Quan, cửa khẩu Hà Khẩu ở tỉnh Vân Nam phía tây nam Trung Quốc cũng đã trở thành địa điểm nhập khẩu sầu riêng nổi tiếng ở Trung Quốc, kể từ sau khi cửa khẩu này được cấp phép thông quan sầu riêng vào tháng 4 năm nay.
Phúc Tĩnh, một thương gia buôn trái cây ở tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, với hơn 10 năm trong ngành cho biết thời gian gần đây, sầu riêng Việt Nam trở thành một lựa chọn mới của cô. Phúc Tĩnh đánh giá: “Sầu riêng Thái Lan thường chín vào nửa đầu năm, trong khi sầu riêng Việt Nam chín vào nửa cuối năm, giúp lấp đầy khoảng trống trên thị trường”.
“Ngoài ra, quy trình thông quan thuận lợi tại cảng cũng là lý do quan trọng để chúng tôi lựa chọn sầu riêng Việt Nam”, cô nói thêm.
Với việc chấp thuận nhập khẩu nhiều loại nông sản từ Việt Nam vào Trung Quốc, cũng như rau quả từ Quảng Tây vào thị trường Việt Nam, thương mại nông sản song phương ở biên giới Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Tại cửa khẩu xuất nhập cảnh Hà Khẩu, một chuyên viên Trung Quốc cho biết kể từ khi lượng nhập khẩu sầu riêng gia tăng, nhiều công ty Trung Quốc đã đổ về đây để thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện. Phía cửa khẩu cũng đã thiết lập luồng xanh để thông quan nhanh chóng các sản phẩm nông nghiệp và phụ phẩm, đồng thời liên tục tối ưu hóa quy trình thông quan đáp ứng nhu cầu của trung bình 700 phương tiện ra, vào mỗi ngày.