Tính tới ngày 1/1/2021 - thời điểm các dự án điện mặt trời không còn được hưởng cơ chế bán điện theo giá cố định (FIT) trong vòng 20 năm theo quyết định 13/2020/QĐ-TTg, trên hệ thống điện có khoảng 8.700 MW điện mặt trời tập trung trong tổng số 16.506 MW điện mặt trời các loại.
Các thống kê và dữ liệu Báo Đầu tư – baodautu.vn có được cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020 đã có 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt, bổ sung quy hoạch điện với tổng công suất 19.126 MWp (tương ứng khoảng 15.400 MW ac). Các dự án điện mặt trời được bổ sung này cũng tập trung chủ yếu tạo miền Trung và miền Nam với tỷ trọng chiếm trên 96%.
Tính tới thời điểm hết năm 2020 - cũng đã có 131 dự án điện mặt trời loại này đã đi vào vận hành với tổng công suất là hơn 8.600 MW, trong đó có một số dự án mới vận hành một phần.
Cũng trong quá trình triển khai xây dựng các dự án điện mặt trời tập trung này, với mục tiêu nhanh về đích để hưởng giá bán điện ưu đãi theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, nhiều dự án điện mặt trời đã chưa tuân thủ đúng trình tự triển khai dự án.
Cụ thể, đã có không dưới 20 dự án nhà máy điện mặt trời đã có biên bản hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bàn giao đưa hạng mục công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Trong số này có các tên như Nhà máy điện mặt trời Đá Bạc (48 MW), nhà máy điện mặt trời KCN Châu Đức (58 MW) tại Bà Rịa-Vũng Tàu; Nhà máy điện mặt trời Hồ Bầu Ngứ (50 MW) tại Ninh Thuận, Nhà máy điện mặt trời Fujiwara (40 MW) tại Bình Định, nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4 (44 MW) tại Bình Thuận…
Danh sách các nhà máy đã có quyết định xử phạt này sẽ còn được tiếp tục được Báo Đầu tư -baodautu.vn cập nhật.