Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời tại Ninh Thuận mòn mỏi chờ chính sách giá

Nhiều nhà đầu tư điện mặt trời tại Ninh Thuận mòn mỏi chờ chính sách giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một số chủ đầu tư dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận kêu khó khi dự án đã phát điện lên lưới nhưng chưa được xác định giá bán điện, chưa ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên chưa được thanh toán sản lượng điện đã phát lên lưới.

Còn nhiều vướng mắc về xác định giá bán điện

Tại Ninh Thuận, theo Nghị Quyết số 115 ngày 31/8/2018, Chính phủ đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá bán điện tương đương 9,35 Uscents/kWh đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW.

Sau đó, đến ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo Quyết định 13, các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được hưởng mức giá bán điện là 9,35 UScent/kWh trong thời gian 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Tuy nhiên, hiện tại Ninh Thuận hiện có một số dự án có chủ trương đầu tư trước hoặc sau ngày 23/11/2019, vận hành trước 1/1/2021 vẫn chưa được xác định giá bán điện như dự án Trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một 1 công suất 50MWp tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận của Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group - mã chứng khoán TTA), dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trang trên, một trong số đó là do kết quả triển khai tại Ninh Thuận có một số dự án bổ sung quy hoạch sau, dẫn đến đến vượt ngoài công suất 2.000 MW.

Theo Công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 1107 ngày 2/3/2021 của Bộ Công Thương, trên địa bản tỉnh Ninh Thuận có 33 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ/Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với tổng công suất khoảng 2.535 MW. Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến nay có 32 dự án hoặc phần dự án đã đi vào vận hành thương mại, tổng công suất khoảng 2.216 MW. Trong đó, có dự án điện mặt trời Phước Thái 1 do EVN làm chủ đầu tư.

Như vậy, hiện còn khoảng 216 MW của một số dự án không được áp dụng giá bán điện tương đương với 9,35 Uscents/kWh và 7,09 Uscents/kWh (giá bán điện chưa được xác định).

Với dự án Phước Thái 1 có công suất thiết kế 50 MWp, theo số liệu tại văn bản ngày 14/10/2020 của EVN, nhà máy này được công nhận COD vào ngày 9/7/2020, công suất vận hành 42 MWac.

Theo Bộ Công thương, UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 hạch toán phụ thuộc EVN nên không có giá bán điện tương đương 9,35 UScents/kWh, do đó không thuộc tổng công suất tích lũy 2.000 MW của tỉnh được Chính phủ đồng ý tại Nghị quyết 115.

Trong khi đó, EVN cho rằng, chính sách giá bán điện tương đương 9,35 UScents/kWh được áp dụng cho các dự án điện mặt trời thuộc tổng công suất tích lũy 2.000 MW và được công nhận COD trong năm 2020, không phân biệt EVN hay các chủ đầu tư khác.

Theo báo cáo của EVN, một số dự án điện mặt trời có phần công suất đã được vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 nhưng có chủ trương sau ngày 23/11/2019 như dự án nhà máy điện mặt trời xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, dự án điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3, nên theo Quyết định 13/2020 chưa xác định được giá bán điện dẫn đến các chủ đầu và EVN chưa ký được hợp đồng mua bán điện, chưa thực hiện thanh toán sản lượng điện đã phát lên lưới.

Nhà đầu tư mòn mỏi chờ chính sách giá

Việc chưa được xác định giá bán điện khiến không ít nhà đầu tư gặp khó khăn. Chẳng hạn, tại TTA, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện công ty này cho biết, Trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một 1 được cấp Quyết định chủ trương đầu tư ngày 14/09/2018 và đã vận hành thương mại ngày 15/12/2020, đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo quy định tại Quyết định 13 là bán điện với giá 9,35 Uscents/kWh cho EVN, nhưng hiện nay Công ty vẫn chưa bán được điện với giá này và cũng đang gửi công văn đề nghị được hưởng mức giá này.

Theo vị lãnh đạo TTA, việc sản xuất điện ra mà chưa có cơ chế giá bán rõ ràng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi doanh nghiêp gặp áp lực nợ vay ngân hàng, áp lực tài chính đầu tư. Cổ đông cũng đã liên hệ ban lãnh đạo công ty để hỏi và chất vấn về mức giá bán điện của dự án Trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một 1. Tuy nhiên, các cổ đông cũng chưa nhận được câu trả lời chính xác, bởi bản thân doanh nghiệp cũng đang chờ đời sự xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Trước những vướng mắc, những vấn đề phát sinh trong việc triển khai các dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, trong Công văn 1107, Bộ Công Thương cho rằng, đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc không tính công suất của Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 vào tổng công suất tích lũy 2.000 MW là có cơ sở.

Theo bộ này, Nghị quyết 115 và Quyết định 13 của Chính phủ về 2.000 MW là dành cho các nhà đầu tư có bán điện cho EVN (nên mới có giá điện 9,35 Uscents/kWh). Việc Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 được hưởng mức giá điện 9,35 UScent/kWh là không có cơ sở, vì đây là đơn vị hạch toán phụ thuộc, không phù hợp với quy định hiện hành về tài chính doanh nghiệp và Quy chế tài chính của EVN. Do đó, Bộ kiến nghị Thủ tướng bỏ Nhà máy điện mặt trời Phước Thái 1 ra khỏi tổng công suất 2.000 MW của tỉnh Ninh Thuận.

Về các dự án điện mặt trời có quyết định chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019 và vận hành trước ngày 1/1/2021, Bộ Công Thương cho rằng, cần sớm có cơ chế giá để áp dụng cho các dự án đã vào vận hành trước ngày 1/1/2021. Điều này phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 do các dự án này phát điện đã lâu, hiện không được thanh toán, gây áp lực lên trả nợ ngân hàng, gây khó khăn cho các chủ đầu tư.

Ngoài ra, các dự án được duyệt chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019 nhưng đã hoàn tất đầu tư xây dựng trong năm 2020, phát điện trước ngày 1/1/2021, có chi phí đầu tư xây dựng cùng một mặt bằng giá như các dự án điện mặt trời khác được đưa vào vận hành trong năm 2020 với cơ chế giá quy định trong Quyết định 13. Do đó, có thể xem xét áp dụng giá bán điện tương đương 7,09 Uscents/kWh cho các dự án này.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giá bán điện tương đương 7,09 Uscents/kWh cho phần công suất của các dự án điện mặt trời vào vận hành trong 2020, nhưng có chủ trương đầu tư sau ngày 23/11/2019.

Tin bài liên quan