Năm 2014 có thể coi là năm bùng nổ các quyết định xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Cụ thể, trong năm này, UBCK đã ban hành tổng cộng 124 quyết định xử phạt, xử phạt 32 cá nhân và 192 tổ chức, với tổng giá trị tiền phạt là 10,4 tỷ đồng, tăng cả về quy mô và số lượng so với năm 2013.
Điển hình như xử phạt nhà đầu tư Nguyễn Khắc Ngọc số tiền lên tới gần 606 triệu đồng vì có hành vi thao túng, làm giá chứng khoán, hay xử phạt CTCK Đệ Nhất (FSC) số tiền 550 triệu đồng do vi phạm hàng loạt lỗi, như tự ý cung cấp dịch vụ tài chính - chứng khoán khi chưa có hướng dẫn, trực tiếp giao dịch tiền với khách hàng....
Cùng với nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch hóa TTCK, đem lại sự công bằng cho thị trường, cho các nhà đầu tư, thì việc thực hiện quy định mới liên quan đến việc nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản, được mua bán chứng khoán cùng phiên cũng làm gia tăng thêm các hành vi vi phạm trên TTCK. Minh chứng, ngoài các vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công bố thông tin, nhiều công ty chứng khoán cũng bị xử phạt liên quan đến hoạt động margin, đặc biệt là số lượng nhà đầu tư cá nhân bị xử phạt liên quan đến vi phạm giao dịch ngược đang có xu hướng gia tăng.
Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2015, UBCK tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, xử lý vị phạm trên TTCK với 16 trường hợp bị xử phạt.
Điểm đặc biệt, trong 16 trường hợp bị xử phát trọng tháng 1/2015, có tới 11 trường hợp là nhà đầu tư cá nhân, trong đó, có 9 cá nhân vi phạm cùng một lỗi, là dùng nhiều tài khoản để giao dịch ngược chiều một loại chứng khoán. Mức phạt mà các cá nhận này chịu là 30 triệu đồng/người, riêng 1 trường hợp được áp dụng hình thức giảm nhẹ do người vi phạm là người già yếu, nên mức phạt giảm xuống còn 25 triệu đồng.
Trong khi đó, với lỗi không báo cáo trước khi thực hiện giao dịch, 2 cá nhân còn lại mỗi người bị phạt 42,5 triệu đồng. Như vậy, số tiền phạt dành cho các cá nhân vi phạm trong tháng 1 là 265 triệu đồng.
Trước đó, ngày 1/6/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 1/8/2011), trong đó có một số nội dụng mới, được nhiều người chờ đợi, là nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau và cho phép nhà đầu tư mua và bán cùng một loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch và vẫn phải đảm bảo giao dịch là tài sản thực (đứng tên sở hữu). Việc cho phép mua, bán chứng khoán trong một ngày theo quy định này là cho phép nhà đầu tư mua, bán cùng một loại chứng khoán, nhưng trên nguyên tắc bán số chứng khoán trên tài khoản hiện có của mình, chứ không phải là cho phép bán chứng khoán vừa mua được trong ngày giao dịch. Đồng thời, nhà đầu tư không được rao lệnh mua - bán cùng lúc và chỉ được thực hiện lệnh mua/bán khi lệnh bán/mua trước đã hoàn tất.
Quy định này được cho là nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường và cũng cũng hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Bởi trước khi có quy định này, nhà đầu tư lách luật bằng cách mượn tên người khác để mở nhiều tài khoản, thậm chí là nhà đầu tư dùng một chứng minh thư mở tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau, nhưng cơ quan quản lý không thể kiểm soát được.
Bên cạnh những mặt tích cực của quy định này, thời điểm đó có những lo ngại cơ quan quản lý kho giám sát để theo dõi, phát hiện các tài khoản giao dịch có dấu hiệu nghi vấn. Tuy nhiên, với việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã đưa vào hoạt động hệ thống quản lý, giám sát thông tin đến từng tài khoản của nhà đầu tư, nên cơ quan quản lý cho biết, có thể giám sát được các hoạt động giao dịch của nhà đầu tư.
Trở lại với các trường hợp bị xử phạt trong tháng 1/2015, ngoài 11 cá nhân, còn có 5 tổ chức bị UBCK xử phạt với số tiền phạt là 355 triệu đồng, bao gồm CTCP Chứng khoán Phố Wall, Tổng CTCP Sông Hồng, Quỹ Asean Small Cap Fund, CTCP Dệt may Nha Trang và CTCP Giầy Thăng Long. Trong đó, bị phạt nặng nhất là Chứng khoán Phố Wall với số tiền phạt là 125 triệu đồng vì cho khách hàng mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định. Chịu phạt nhẹ nhất là Giầy Thăng Long với 40 triệu đồng do chậm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng.
Tổng CTCP Sông Hồng bị phạt tổng cộng 70 triệu đồng, trong đó phạt 60 triệu đồng vì không thực hiện công bố thông tin theo quy định các tài liệu như Báo cáo tài chính năm 2012 đã kiểm toán của công ty mẹ và hợp nhất, Báo cáo thường niên năm 2012, Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2012, Báo cáo tình hình quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2013 và năm 2013; phạt 10 triệu đồng do chưa tổ chức họp ĐHCĐ thường niên 2013.
Cũng không công bố một loạt các báo cáo trong các năm 2012, 2013 và 2014 theo quy định, CTCP Dệt may Nha Trang chịu phạt 60 triệu đồng.
Đối với Asean Small Cap Fund, quỹ này đã thực hiện mua 47.400 cổ phiếu PHH của CTCP Hồng Hà Việt Nam vào ngày 22/10/2014 và tăng sở hữu lên 8,01%, nhưng không thực hiện báo cáo lên UBCK và HNX, nên bị phạt 60 triệu đồng.
Với những tín hiệu phát đi ngay trong tháng đầu tiên, năm 2015 được dự báo sẽ tiếp tục là 1 năm làm việc vất vả của UBCK trong công tác thanh tra, giám sát TTCK, nhằm giúp thị trường phát triển bền vững, minh bạch và công bằng.
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: a) Vi phạm tỷ lệ nắm giữ chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài; vi phạm quy định về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam; b) Vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần hoặc phần vốn góp của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ; c) Vi phạm quy định về mở tài khoản giao dịch chứng khoán, giao dịch ký quỹ chứng khoán, tài khoản giao dịch ủy quyền; d) Vi phạm quy định về giao dịch trong ngày giao dịch. (Trích Khoản 1, Điều 28, Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK) |