Tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp là 2,62% và lực lượng lao động tăng 1,7 triệu người trong quý II/2021
Nhiều người không có việc làm không được coi là thất nghiệp
Theo bà Valentina Barcucci, quyền Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, về lý thuyết và cả thực tế, khi dịch bệnh xảy ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, thì lực lượng lao động phải giảm và tỷ lệ thất nghiệp phải gia tăng. “Nhưng qua xác nhận của ILO, tại Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp là 2,62% và lực lượng lao động tăng 1,7 triệu người trong quý II/2021”, bà Valentina Barcucci nói.
Chuyên gia ILO giải thích, do dịch bệnh, rất nhiều người lao động ở các đô thị bị mất việc làm, nỗ lực đi tìm việc và sẵn sàng làm việc để có thu nhập, họ được coi là thất nghiệp. Nhưng trong hoàn cảnh này, nhiều người phải ở nhà vì thực hiện giãn cách xã hội, làm việc từ xa, có thể tự lo liệu việc nhà, khiến đội quân làm công việc dọn dẹp nhà cửa bị mất việc và về quê. Đội quân này không được coi là thất nghiệp vì không đi tìm kiếm việc làm mới.
Không phải Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp theo tiêu chí của ILO và thông lệ quốc tế thì đồng nghĩa với việc có thị trường lao động hoàn hảo.
Khác với 3 làn sóng Covid-19 trước, làn sóng dịch bệnh thứ tư đã “đánh trực tiếp” vào các khu công nghiệp, trung tâm sản xuất của Việt Nam, nên rất nhiều người lao động bị đi cách ly tập trung, sau đó cách ly tại nhà do trong doanh nghiệp có ca F0. Những người này không có việc làm, không có thu nhập, nhưng cũng không được coi là thất nghiệp theo tiêu chí của ILO.
“Có rất nhiều người lao động không có việc làm, không có thu nhập, nhưng không được coi là thất nghiệp. Họ chỉ được coi là thất nghiệp khi bị mất việc, nỗ lực đi tìm việc làm, sẵn sàng làm việc. Những người còn lại, dù bị mất việc, không có thu nhập từ việc làm, nhưng không được coi là thất nghiệp. Đây là tiêu chí của ILO”, bà Valentina Barcucci nói.
Tỷ lệ thất nghiệp thực tế lên đến 8,4%
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), lực lượng lao động gia tăng trong quý II/2021 có nguyên nhân là, dù dịch bệnh tác động tiêu cực hơn, nhưng khác với năm 2020. Năm ngoái, Chính phủ thực hiện cách ly toàn xã hội khiến rất nhiều doanh nghiệp có sức chống chịu kém phải rời khỏi thị trường, kéo theo hàng triệu người lao động bị mất việc, không thể tìm được việc làm và rời khỏi thị trường lao động.
Nhưng năm nay thì khác, chống dịch linh hoạt, năng động hơn, chỉ khoanh vùng, cách ly tại khu vực xảy ra dịch bệnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong tâm dịch vẫn tổ chức hoạt động bằng cách bố trí nơi ăn ở, sinh hoạt cho công nhân ngay tại khuôn viên doanh nghiệp, hoặc thực hiện giải pháp “2 điểm một đường” (công nhân chỉ sinh sống và làm việc tại nơi cư trú/tạm trú và tại doanh nghiệp và chỉ đi từ nơi ở đến nơi làm việc), vì thế lực lượng lao động năm nay tăng 1,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020.
“Nhưng thực tế thì lực lượng lao động không hề tăng, vì năm nay so với nền quá thấp của cùng kỳ năm ngoái (giảm 2,4 triệu người và là quý mà lực lượng lao động giảm kỷ lục). Nếu ở trạng thái bình thường, lực lượng lao động trong quý II/2021 ít nhất phải tăng thêm 3,4-3,5 triệu người. Điều này đồng nghĩa, đại dịch Covid-19 đã cướp đi cơ hội tìm kiếm việc làm, tham gia lực lượng lao động của 1,7-1,8 triệu người”, bà Mai khẳng định.
Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), về số tuyệt đối, hiện Việt Nam chỉ có 1,2 triệu người thất nghiệp là con số rất khiêm tốn so với 51,1 triệu người thuộc lực lượng lao động. Nhưng nếu cộng thêm 1,7-1,8 triệu người bị tước đi cơ hội tìm kiếm việc làm, buộc phải tạm thời ra khỏi lực lượng lao động và 1,4 triệu lao động gia nhập lực lượng phi chính thức do bị mất việc làm ở khu vực chính thức, thì số người bị thất nghiệp theo cách hiểu thông thường của đa số là khoảng 4,3-4,4 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 8,4%.
“Nếu cộng thêm 1,1 triệu người thiếu việc làm và 4,2 triệu người làm việc ở khu vực tự sản, tự tiêu (tăng 500.000 người so với cùng kỳ năm trước), thì số người được coi là thất nghiệp rất lớn, tỷ lệ thất nghiệp rất cao. Điều đó có nghĩa là, không phải Việt Nam có tỷ lệ thất nghiệp thấp theo tiêu chí của ILO và thông lệ quốc tế thì đồng nghĩa với việc chúng ta có thị trường lao động hoàn hảo”, ông Nam bình luận.
Ngoài ra, theo bà Valentina Barcucci, chất lượng thị trường lao động của Việt Nam cũng bị đại dịch tác động tiêu cực nghiêm trọng, khi số người rời bỏ khu vực lao động chính thức để gia nhập khu vực phi chính thức gia tăng. “Khu vực phi chính thức có công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh và đặc biệt không được tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và là nỗi lo tiềm tàng cho xã hội khi đối tượng này không thể tiếp tục lao động trong tương lai”, bà Valentina Barcucci nói thêm.