Nhu cầu từ thực tế
“Trong thời gian vừa qua, một số DN đã xảy ra tình trạng gần như đóng băng toàn bộ hoạt động giao kết, khi lãnh đạo DN là người đại diện theo pháp luật bị bắt. Trong những tình huống như vậy, việc quy định DN chỉ có 1 người đại diện theo pháp luật của Luật Doanh nghiệp năm 2005 tỏ ra bất cập. Trong Luật Doanh nghiệp mới, có một vài quy định mà mới nghe, mọi người sẽ cảm thấy khó hiểu, thậm chí là không logic, tuy nhiên, nó lại xuất phát từ những sự việc đã từng xảy ra ở Việt Nam”, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị DN chia sẻ.
Theo quy định cũ tại Luật Doanh nghiệp 2005, người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT (với công ty cổ phần - CTCP), Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty (với công ty TNHH) hoặc Giám đốc, Tổng giám đốc. Trong trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty vắng mặt trên 30 ngày ở Việt Nam, thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Công ty TNHH và CTCP có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN, theo Khoản 2, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014.
Quy định này dẫn tới tình trạng, nếu người đại diện theo pháp luật vì lý do cá nhân vắng mặt ở Việt Nam nhưng không thực hiện ủy quyền, người đại diện theo pháp luật bị tạm giữ, hoặc việc thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật…, thì toàn bộ các giao kết sẽ bị chậm lại hoặc ách tắc. Thậm chí, có nhiều giao kết hợp đồng được ký bởi người đại diện theo pháp luật theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, nhưng vẫn bị kiện vô hiệu, do được ký trong khi DN chưa hoàn tất việc đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật cũ.
Với những tình huống phát sinh như trên, nhu cầu cần thiết có hơn 1 người đại diện theo pháp luật của DN là có, và Luật Doanh nghiệp 2014 đã đáp ứng được thực tế này.
Khoản 2, Điều 13, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty TNHH và CTCP có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN.
Theo quy định này, công ty TNHH hoặc CTCP có thể có từ 2 người đại diện theo pháp luật trở lên và Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Điều này sẽ giúp cho công ty luôn có người đại diện theo pháp luật trong các tình huống phát sinh bất khả kháng.
Vướng mắc phát sinh
Quy định mới giúp khắc phục các trường hợp đã xảy ra, nhưng dường như chưa phải là tất cả. Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng, nếu quy định không rõ ràng, việc cho phép DN có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật có thể sẽ xảy ra những vướng mắc, nhất là khi có sự tranh chấp giữa các nhóm cổ đông.
Với việc tồn tại song song từ 2 người đại diện theo pháp luật trở lên, sẽ là vướng mắc rất lớn cho DN nếu xảy ra tình trạng mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông, các người đại diện theo pháp luật của DN.
“Nếu xảy ra tình trạng hôm nay, một người đại diện theo pháp luật ký văn bản với nội dung A, gửi cho các bên có liên quan và cả cơ quan quản lý; ngày mai, người đại diện theo pháp luật khác gửi một văn bản với nội dung hoàn toàn trái ngược, thì các bên sẽ tin ai?”, vị này nói.
Ý kiến này được đưa ra bởi trong quá khứ, thị trường đã chứng kiến khá nhiều vụ kiện giữa các nhóm cổ đông, trong đó, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc không thống nhất, dẫn đến tình trạng DN có tới 2 người đại diện diện theo pháp luật (một người do HĐQT mới bầu, một người do HĐQT cũ bầu nhưng vẫn nắm giữ con dấu). Dù Luật Doanh nghiệp quy định, Điều lệ DN phải quy định chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của DN, nhưng rõ ràng, việc giao kết hợp đồng với DN của các đối tác sẽ có nguy cơ gặp rủi ro nếu người đại diện không ký đúng thẩm quyền, trong khi DN lại chưa có văn bản quy định rõ ràng, không công khai chi tiết phân quyền hoặc không lường hết những tình huống phát sinh, thì khi đó, DN dù có nhiều người đại diện theo pháp luật, nhưng lại không thể ký kết được các hợp đồng.
Với thực tế này, vị đại diện trên cho rằng, việc cho phép DN có nhiều hơn 1 đại diện theo pháp luật là cần thiết, nhưng các đại diện theo pháp luật khác chỉ là ủy quyền, đương nhiên trong trường hợp người đại diện theo pháp luật thứ nhất mất khả năng làm việc, đi vắng khỏi Việt Nam, hoặc các tình huống pháp lý khác (chẳng hạn bị tạm giam).