Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhiều ngành nghề vẫn tăng trưởng tốt trong đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital cho rằng, dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, thương mại điện tử (cùng các ngành hỗ trợ liên quan) và công nghệ thông tin vẫn sẽ tăng trưởng tốt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài.

Thông tin về việc VinaCapital rót 26,7 triệu USD để nắm 30% vốn cổ phần tại Hệ thống Y tế Thu Cúc (TCI) được người quan tâm. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thương vụ này?

VinaCapital vừa hoàn thành khoản đầu tư vào TCI và chúng tôi cũng tham gia vào HĐQT của TCI.

Cùng chia sẻ tầm nhìn dài hạn với Ban lãnh đạo và toàn thể cán bộ, nhân viên của TCI, chúng tôi sẽ tìm kiếm các cơ hội để mở rộng quy mô cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn, qua đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của khách hàng với mức giá cạnh tranh.

Chẳng hạn, gói dịch vụ thai sản và sinh con trọn gói tại TCI đang được nhiều khách hàng quan tâm với mức giá hợp lý. Trong tương lai, khi có các điều kiện phù hợp, chúng tôi có thể cân nhắc khả năng giải ngân thêm nếu có nhu cầu từ TCI.

Trước TCI, VinaCapital cũng có các khoản đầu tư vào một số bệnh viện, hệ thống y tế. Vậy tầm nhìn của VinaCapital với mảng bệnh viện, trung tâm y khoa như thế nào?

Thị trường y tế và chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam có quy mô khá lớn (khoảng 12 tỷ USD) với nhiều tiềm năng tăng trưởng. Số tiền người dân sẵn sàng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital

Người dân cũng dần hình thành thói quen khám định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe và đây chắc chắn là một thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư tham gia. Trong quá khứ, VinaCapital từng rất thành công trong khoản đầu tư vào Hệ thống Y khoa Hoàn Mỹ, với tỷ suất hoàn vốn trên 35%/năm.

Quan sát từ thị trường cho thấy, VinaCapital đang có xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân (Private Equity - PE)?

Là một tập đoàn quản lý quỹ đầu tư linh hoạt trên thị trường Việt Nam, chúng tôi không giới hạn mình ở bất kì loại hình đầu tư nào. VinaCapital vừa có thể đầu tư vào các doanh nghiệp đại chúng niêm yết hoặc các doanh nghiệp tư nhân dựa trên tiêu chí là tìm kiếm doanh nghiệp Việt có đội ngũ quản trị điều hành giàu kinh nghiệm và có tầm nhìn dài hạn, nền tảng kinh doanh vững chắc, có thương hiệu và sản phẩm được đón nhận trên thị trường.

Những lĩnh vực mà VinaCapital hướng đến là các ngành nghề phục vụ và được hưởng lợi từ quy mô dân số cũng như sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Có thể kể đến như y tế, giáo dục, tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản nhà ở, xây dựng và vật liệu xây dựng…

Nhiều doanh nghiệp tư nhân đang rất cần gọi vốn, đặt trong bối cảnh bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 có tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn hơn cho các quỹ PE hay không?

Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân với quy mô vừa và nhỏ. Họ là nhóm doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất khi có biến động về môi trường kinh doanh.

Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân đều phải điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 và 2021 so với dự kiến ban đầu.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc thương lượng trở nên dễ dàng hơn, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng đồng ý điều chỉnh giảm giá trị doanh nghiệp của họ, hay huy động vốn dựa trên kết quả kinh doanh thời kỳ đại dịch.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có ngày kết thúc, theo ông, việc chọn lựa đầu tư nên hướng đến ngành, nghề nào?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài, một số ngành vẫn sẽ có mức tăng trưởng tốt như dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, thương mại điện tử (cùng các ngành hỗ trợ liên quan) và công nghệ thông tin.

Gần đây, chúng tôi có đầu tư vào Kido Group (KDC), một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng dầu ăn và ngành hàng kem, hiện nay đang quay trở lại thị trường bánh Trung thu với thương hiệu mới Kingdom.

Một diễn biến đáng chú ý tại Việt Nam là Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh phát triển hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch.

Điều này đã và sẽ tác động tích cực đến các ngành liên quan như xây dựng và vật liệu xây dựng (thép, xi măng).

Chẳng hạn, Tập đoàn Hòa Phát đã hưởng lợi từ việc tăng đầu tư công của Chính phủ với sản lượng bán hàng tăng 21% trong quý II/2020.

Quỹ ETF VinaCapital VN100 có danh mục đa dạng và độ bao phủ thị trường rộng, đặc biệt là trong thời gian 2 - 3 năm tới, khi có nhiều công ty mới sẽ được niêm yết trên HOSE.

Ông Andy Ho - Giám đốc điều hành VinaCapital

Thêm vào đó, xu hướng các công ty FDI dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc và chuyển sang các nước khác trong đó có Việt Nam làm tăng nhu cầu về bất động sản khu công nghiệp và các ngành sản xuất phụ trợ.

Chẳng hạn, Cao su Phước Hòa gần đây đã ký kết và bàn giao 345 ha đất làm khu công nghiệp cho Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) để mở rộng giai đoạn 2, góp phần làm lợi nhuận tăng 5,4 lần trong quý II/2020.

Trong đánh giá của VinaCapital, môi trường kinh doanh của Việt Nam có gì cần cải thiện để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như việc rót vốn của nhà đầu tư nước ngoài?

Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp tư nhân lúc này đang cần sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để giúp họ vượt qua khó khăn, hồi phục và phát triển.

VinaCapital cũng đã thấy những động thái tích cực từ phía Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân thông qua các chính sách tài khóa như gia hạn thời gian nộp thuế không lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất, giãn thời gian trả nợ cho một số đối tượng doanh nghiệp…

Theo chúng tôi, một số biện pháp mà Chính phủ có thể thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, giảm giấy phép con, thực hiện chính phủ điện tử nhằm giảm thiểu chi phí hành chính cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chính phủ nên ban hành các quy định, chính sách công bằng hơn giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân để khuyến khích sự đóng góp nhiều hơn nữa của khối này vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, khá nhiều quỹ ETF nội được thành lập với mục tiêu thu hút vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng này?

Quỹ ETF đã và đang là xu thế, phát triển trên quy mô toàn cầu. TTCK Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này với nhiều quỹ ETF ra đời gần đây dựa trên các chỉ số (VN100, VN30, VN Diamond).

Các quỹ ETF nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài do các ưu thế về phí quản lý thấp (0,5-1,0%) và sự tiện lợi đầu tư. Tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro và chiến lược đầu tư mà nhà đầu tư sẽ chọn lựa hình thức đầu tư trực tiếp vào từng cổ phiếu hay là gián tiếp thông qua các ETF.

Ngoài ra, vì là các quỹ nội địa, nên các ETF không bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room). Thông qua các ETF này, nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu đã đầy room ngoại mà không phải trả mức giá cao hơn như việc mua vào từng cổ phiếu riêng lẻ trong khối.

VinaCapital vừa cho ra mắt quỹ ETF mới là VinaCapital VN100 ETF. Quỹ mới có gì khác biệt so với các quỹ ETF hiện có?

Quỹ ETF VinaCapital VN100 mô phỏng chỉ số VN100 Index. Đây là chỉ số bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn và vừa trên thị trường và có mức độ tương quan cao nhất với chỉ số VN-Index, là chỉ số đại diện cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chúng tôi đang huy động vốn từ cả thị trường trong nước và nước ngoài, hướng đến các nhà đầu tư tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam và muốn có một danh mục đầu tư cổ phiếu có tính đa dạng hóa cao.

VinaCapital làm việc với nhiều đối tác và nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và rất tin tưởng rằng, Quỹ sẽ thu hút được dòng tiền từ cả trong và ngoài nước trong thời gian tới.

Tin bài liên quan