Dịch vụ chứng khoán là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm với biến động lãi suất.

Dịch vụ chứng khoán là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm với biến động lãi suất.

Nhiều ngành hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất giảm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất 0,5%/năm trong kỳ họp giữa tuần qua được xem là yếu tố khách quan quan trọng để Ngân hàng Nhà nước quay trở lại định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Một số ngành được cho là sẽ hưởng lợi từ xu hướng này.

Áp lực tỷ giá giảm, lãi suất có xu hướng giảm

Đầu tuần trước, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) xuống còn 4%/năm (từ mức 4,25%/năm duy trì từ đầu tháng 8). Đây là lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua.

Giai đoạn trước, Ngân hàng Nhà nước sử dụng đồng thời công cụ lãi suất OMO và tín phiếu để hỗ trợ cho tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá đã hạ nhiệt và giảm về gần mức đầu năm, do vậy, diễn biến hạ lãi suất OMO được nhìn nhận là hợp lý để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống khi tín dụng tại nhiều ngân hàng đã có sự cải thiện.

Ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung sẽ duy trì như hiện tại trong thời gian tới, ngoại trừ một số gói ưu đãi lãi suất đã có từ trước như cho vay mua nhà ở xã hội, hay gói hỗ trợ lãi suất với các doanh nghiệp chịu thiệt hại trong đợt bão lũ vừa qua.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chính sách tiền tệ cần hỗ trợ tích cực cho mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024 (cơn bão số 3 được đánh giá tác động giảm GDP 0,15%).

Các chuyên gia nhìn nhận, các yếu tố thị trường vẫn đang ủng hộ Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm nhẹ lãi suất, hỗ trợ thanh khoản hệ thống trong những tháng cuối năm. Bởi khi Fed hạ lãi suất, giá trị đồng USD suy yếu, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu từ Mỹ sẽ giảm.

Điều này sẽ hỗ trợ tích cực cho các ngành sản xuất công nghiệp và công nghệ cao trong nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc VND tăng giá cũng có thể làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày và nông sản - những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Chứng khoán VPBank cho rằng, ở thời điểm hiện tại, áp lực tỷ giá đang có xu hướng giảm dần. Việc Fed giảm lãi suất sẽ làm cho diễn biến tỷ giá sẽ còn tiếp tục xu hướng tích cực này và tạo dư địa tốt cho chính sách tiền tệ.

Theo ông Dương, nền lãi suất có xu hướng duy trì mức thấp và lãi suất cho vay vẫn còn dư địa giảm tiếp. Yếu tố này thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, vừa làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.

Kể từ khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm rất nhanh về vùng 3,47%/năm (trong khi trước đó, có thời điểm lên tới 4,9%/năm). Trên thị trường mở, lãi suất trúng thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước cũng giảm nhanh về 4%/năm.

“Xu hướng lãi suất OMO và lãi suất liên ngân hàng ở các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 7 ngày, 14 ngày) có thể còn tiếp tục điều chỉnh giảm trong những tháng cuối năm, đặc biệt sau khi Fed chính thức hạ lãi suất. Yếu tố này sẽ giữ nền lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn ở mức nền thấp, thậm chí một số ngân hàng quốc doanh có thể hạ nhẹ lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, nền lãi suất cho vay nói chung có thể có dư địa điều chỉnh giảm đáng kể, thúc đẩy được tăng trưởng tín dụng, giảm áp lực lãi vay cho doanh nghiệp”, ông Dương phân tích.

Nhận diện những ngành được hưởng lợi

Thị trường có độ trễ để lãi suất trên thị trường 2 có thể tác động đến lãi suất thị trường 1 và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, nếu chỉ xét về việc mặt bằng lãi suất giảm thì những ngành có tỷ lệ vay nợ cao và những ngành nhạy cảm về biến động lãi suất như ngành tài chính sẽ được hưởng lợi.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản, với đặc thù một phần chi phí lãi vay rất lớn được vốn hóa vào tồn kho, dẫn tới sự tăng trưởng của tổng tài sản qua hàng tồn kho và chi phí cơ bản dở dang nhưng lại dựa vào các khoản vay ngắn hạn trong thời gian qua, sẽ được tháo gỡ rất nhiều khó khăn khi nền lãi suất hạ và tín dụng tiêu dùng bất động sản phục hồi.

Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Phân tích thị trường Công ty Chứng khoán BSC, các ngành có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E) cao gồm dịch vụ tiêu dùng (3,28 lần), tài chính (2,01 lần) và công nghiệp (1,3 lần). Cùng với đó, tỷ lệ vốn vay ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu của các ngành này cũng ở mức khá cao (từ 23 - 25%).

Biến động giảm lãi suất cho vay ngắn hạn sẽ giúp các doanh nghiệp nhóm này tiết giảm được chi phí đi vay và cải thiện lợi nhuận. Ngoài ra, ngành chứng khoán cũng khá nhạy với xu hướng giảm lãi suất.

Đối với cổ phiếu, một số cổ phiếu có chỉ số D/E và tỷ lệ vốn vay ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu cao, như nhóm hạ tầng (CII, LIG, BCM), tiêu dùng (PET, TNG, MSN, DBC), bất động sản (VIC, NVL) cũng được xem là sẽ có triển vọng tích cực hơn, nhưng vẫn cần thời gian để chính sách ngấm vào thực tiễn.

Khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm, chi phí đi vay của người dân và doanh nghiệp đều giảm, theo đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều hưởng lợi. Tuy vậy, các ngành có mức độ sử dụng vốn vay cao như bất động sản, xây dựng, tác động từ việc hạ lãi suất sẽ tích cực sẽ lớn hơn các ngành khác.

Đối với các doanh nghiệp khó khăn thì việc giảm chi phí lãi vay sẽ giúp doanh nghiệp có thêm dòng tiền, còn đối với các doanh nghiệp đang có đầu ra tích cực thì điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận.

Ông Đào Hồng Dương cho rằng, ngành ngân hàng và lĩnh vực môi giới chứng khoán thuộc ngành dịch vụ tài chính sẽ có nhiều thuận lợi. Ngành ngân hàng có thể phải chấp nhận một yếu tố kém tích cực là NIM thu hẹp, tuy nhiên bù lại, lợi ích từ sự phục hồi của tín dụng, tăng trưởng tín dụng, thị trường tín dụng tiêu dùng có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, khi thị trường phục hồi trong bối cảnh tiền tệ nới lỏng thì sự cải thiện về chất lượng tài sản là một yếu tác động tích cực tới ngành ngân hàng nói riêng và nhóm tài chính nói chung.

Nền lãi suất giảm dần tăng sức hút của các thị trường đầu tư khác, trong đó có thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán có cơ hội sôi động hơn sẽ tác động rất tích cực tới lĩnh vực chứng khoán. Nền lãi suất margin có thể giảm theo xu hướng lãi suất chung, nhưng bù lại chi phí vay ngắn hạn (chi phí vốn) cũng giảm nên hiệu quả và quy mô mảng này vẫn tăng trưởng mạnh.

Các loại phí dịch vụ như môi giới, tư vấn, tư vấn đầu tư đều có bối cảnh tích cực để tăng trưởng và cải thiện mạnh mẽ biên lợi nhuận khi mức doanh thu vượt xa chi phí cố định.

Thêm nữa, với một tỷ trọng tài sản tài chính rất lớn trong tổng tài sản của các công ty chứng khoán, hầu hết các tài sản tài chính sẽ tăng giá khi nền lãi suất giảm mang lại một lợi ích chênh lệch trên quy mô tài sản tài chính của họ.

Với kỳ vọng về nền lãi suất cho vay hạ mạnh, những ngành đang có dư nợ vay lớn, với tỷ trọng chi phí lãi vay trên EBIT cao được kỳ vọng sẽ giảm được áp lực lãi vay, mặc dù có độ trễ nhất định.

Theo nghiên cứu của VPBankS thì bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản là những ngành sẽ “dễ thở” hơn khi lãi suất cho vay hạ dần.

Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp bất động sản, với đặc thù một phần chi phí lãi vay rất lớn được vốn hóa vào tồn kho, dẫn tới sự tăng trưởng của tổng tài sản qua hàng tồn kho và chi phí cơ bản dở dang nhưng lại dựa vào các khoản vay ngắn hạn trong thời gian qua, sẽ được tháo gỡ rất nhiều khó khăn khi nền lãi suất hạ và tín dụng tiêu dùng bất động sản phục hồi.

Sự phục hồi của tín dụng tiêu dùng và niềm tin tiêu dùng khi nền lãi suất hạ sẽ tác động rất tích cực tới tốc độ phục hồi lợi nhuận của ngành bán lẻ. Trong hai quý vừa qua, ngành bán lẻ đã phục hồi lợi nhuận nhờ cơ cấu lại mảng bán lẻ và ưu tiên tối ưu hiệu quả của mảng ICT&CE (hạn chế cuộc chiến cạnh tranh bằng giá).

Trên đà tích cực này, bối cảnh nền lãi suất giảm, kích thích sự phục hồi của tín dụng tiêu dùng sẽ tác động tích cực tới sức cầu của các mặt hàng bán lẻ không thiết yếu giúp mảng ICT & CE có thể phục hồi vượt kỳ vọng.

Tin bài liên quan