Triển vọng kinh tế và TTCK
6 tháng cuối năm, MBS dự báo, lạm phát sẽ tăng cao hơn và tiệm cận mức 4,5% (7 tháng đầu năm tăng 2,48%) do cung tiền tăng mạnh (6 tháng đầu năm tăng 8,02%) và phí dịch vụ công như y tế, giáo dục tăng lên. Lãi suất có khả năng ổn định và tăng nhẹ vào cuối năm do áp lực lạm phát và tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tín dụng dự kiến trên mức 20% trong năm nay. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 nhiều khả năng đạt 6,1%, thấp hơn so với mức tăng 6,68% năm 2015, do khu vực nông nghiệp suy giảm và khu vực công nghiệp tăng trưởng chậm (chủ yếu trong lĩnh vực dầu khí).
Về dài hạn, các chuyên gia của MBS cho rằng, nền kinh tế đang trong chu kỳ đi lên từ đáy năm 2012, tăng trưởng kinh tế sẽ tạo đỉnh ngắn hạn vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Trong năm 2019 và 2020, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ giảm nhẹ khi áp lực lạm phát tăng lên do cung tiền và tín dụng gia tăng, khiến mặt bằng lãi suất tăng.
Theo MBS, diễn biến của TTCK có mối tương quan chặt chẽ với mặt bằng lãi suất, do đó nhiều khả năng TTCK sẽ tạo đỉnh vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 (VN-Index có thể hướng đến vùng 850 - 890 điểm trong năm 2018). Sau đó, TTCK có thể xảy ra một nhịp điều chỉnh trong năm 2018 - 2019 trước khi tạo đáy và tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Một số ngành đáng chú ý
MBS cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế, thị trường bất động sản hồi phục, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, tác động từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp nhiều ngành kinh doanh có triển vọng sáng trong 6 tháng cuối năm 2016 như bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, cảng biển và dầu khí.
Cụ thể, với bất động sản, ngành này được hưởng lợi từ chu kỳ kinh tế tăng trưởng và đặc biệt là tốc độ đô thị hóa. MBS dự báo, số lượng hộ gia đình khá giả có thu nhập khoảng 20.000 USD/năm tăng gấp đôi từ 230.000 hộ lên 550.000 hộ trong giai đoạn 2016 - 2020; số lượng hộ gia đình trung lưu, thu nhập từ 9.000 - 20.000 USD/năm, tăng từ 3,16 triệu hộ lên 4,83 triệu hộ. Ngoài ra, trong giai đoạn này, mỗi năm dự kiến có thêm 58.000 hộ gia đình mới tại TP. HCM và 42.000 hộ gia đình mới tại Hà Nội. Nhu cầu nhà thay thế ở các thành phố này cũng rất lớn, riêng ở TP. HCM là 85.900 căn/năm.
Cũng với sự hồi phục của thị trường bất động sản, các ngành vật liệu xây dựng và xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp cảng biển sẽ hưởng lợi từ việc lượng hàng hóa qua cảng tăng lên nhờ các hiệp định thương mại tự do và sự gia tăng của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, đây là ngành có sự phục hồi mạnh trong 3 năm qua, tăng trưởng trung bình 12%/năm. Riêng mảng thực phẩm ước tăng 18% trong năm 2015 và dự báo tăng 18,6%/năm trong giai đoạn 2015 - 2019. Các yếu tố hỗ trợ cho ngành này trong thời gian tới là: Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, với nhu cầu tiêu dùng tăng cao; tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh đang chững lại ở thị trường thành thị, nhưng tăng mạnh tại khu vực nông thôn.
Đối với ngành dầu khí, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp 6 tháng đầu năm suy giảm do giá dầu và khí giảm, lượng công việc giảm mạnh, nhiều giàn khoan có hiệu suất sử dụng không cao… Tuy nhiên, thời kỳ khó khăn nhất đã qua, kết quả kinh doanh khó có thể sớm trở lại mức cao, nhưng giá cổ phiếu dầu khí có thể tăng nhờ giá dầu hồi phục.