Nhiều ngân hàng Việt nhận khoản vay lớn quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng chảy này được đánh giá phù hợp với triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam bất kể sự gia tăng lãi suất toàn cầu và lo ngại về suy thoái, cũng như có một môi trường chính sách thuận lợi và cam kết mạnh mẽ từ cơ quan quản lý ngân hàng tại Việt Nam.
Các ngân hàng trong nước tăng cường huy động nguồn vốn từ nước ngoài

Các ngân hàng trong nước tăng cường huy động nguồn vốn từ nước ngoài

Hoạt động vay vốn từ các định chế tài chính nước ngoài đang được quan tâm nhiều hơn thời gian gần đây, khi các ngân hàng Việt dồn dập công bố thông tin về việc ký kết hợp đồng tín dụng từ các định chế tài chính quốc tế như ADB, IFC…

Vượt qua các tiêu chí ngặt nghèo

VPBank vừa qua đã ký kết thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12.500 tỷ đồng từ 5 định chế tài chính lớn bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

SeABank cũng vừa chốt thương vụ huy động vốn quốc tế với khoản vay trị giá 200 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC). Trước đó, SeABank được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và 5 quỹ đầu tư quốc tế gồm Banque Internationale de Commerce-BRED, BlueOrchard Microfinance Fund, KASIKORNBANK PCL, OPEC và responsAbility Investments AG cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD…

Dòng chảy sôi động trên đến trong bối cảnh cân đối nguồn vốn của hệ thống ngân hàng không nhiều thuận lợi, áp lực chênh lệch âm giữa tăng trưởng huy động với tín dụng kéo dài. Đặc biệt trong năm 2022, chênh lệch trong cân đối này trở nên nổi bật hơn, khi ước cả năm tăng trưởng huy động vốn chỉ đạt khoảng 6%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng khoảng 13% của tín dụng.

Tuy nhiên, chuyên gia của một định chế tài chính nước ngoài cho biết: “Cân đối nguồn và thanh khoản chỉ là một điểm nhỏ khi các ngân hàng Việt vay vốn từ các định chế tài chính nước ngoài. Để đạt được những thỏa thuận vay vốn, các ngân hàng Việt sẽ phải đảm bảo được các tiêu chí rất ngặt nghèo và đôi khi là… khó hơn lên giời”.

Giải thích rõ hơn về chuyện “khó hơn lên giời”, vị chuyên gia trên cho biết: “Bên cạnh ý kiến và sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trong hoạt động vay vốn quốc tế, các ngân hàng sẽ phải cung cấp báo cáo tài chính trong nhiều năm liên tiếp cho nhà đầu tư, mà các báo cáo này sẽ được các chuyên gia đầu tư, phân tích của tổ chức thẩm định và sau đó sẽ được chuyển sang công ty kiểm toán độc lập.

Trong báo cáo tài chính phải đảm bảo qua được những bước khó khăn với tiêu chí rất ngặt nghèo như: hiệu quả kinh doanh trong thời gian dài được đảm bảo, “sức khỏe” tài chính phải trong “ngưỡng” chấp thuận, khả năng trả nợ cũng như khả năng quản lý các dự án mà ngân hàng cho doanh nghiệp vay…”.

Thêm nguồn cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi tín hiệu cảnh báo về khả năng suy thoái, thị trường vốn quốc tế nhiều biến động, đặc biệt những phát sinh trong hoạt động ngân hàng tại Mỹ và châu Âu gần đây, việc tiếp cận thành công nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài càng khẳng định năng lực và giá trị tín nhiệm của các ngân hàng Việt trên thị trường vốn quốc tế.

IFC và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký kết hợp đồng tín dụng với gói vay trị giá 120 triệu USD

IFC và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ký kết hợp đồng tín dụng với gói vay trị giá 120 triệu USD

Mới nhất, ngày 21/3 vừa qua, IFC và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã ký kết hợp đồng tín dụng với gói vay trị giá 120 triệu USD. Ngoài ra, IFC sẽ tiếp tục xúc tiến một gói vay bổ sung kèm quyền chọn tăng thêm huy động từ các bên cho vay quốc tế dành cho SHB.

“Tiếp cận nguồn tài chính luôn là một vấn đề khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi, trong khi đó lại là nền tảng cho hệ thống thương mại toàn cầu. Tất nhiên, tài chính chỉ là một khía cạnh. Như trong mối quan hệ ban đầu của chúng tôi với SHB, các chuyên gia của IFC sẽ làm việc với SHB với vai trò tư vấn để cải thiện cấu trúc và thông lệ quản trị doanh nghiệp, chức năng kiểm toán nội bộ, thông lệ quản lý rủi ro, khuôn khổ và quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội”, một lãnh đạo cao cấp của IFC cho biết.

Cũng theo lãnh đạo của IFC, hướng đầu tư và hợp tác trên rất phù hợp với triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam bất kể sự gia tăng lãi suất toàn cầu và lo ngại về suy thoái, cũng như có một môi trường chính sách thuận lợi và cam kết mạnh mẽ từ cơ quan quản lý ngân hàng tại Việt Nam.

Ở sự kiện trên, SHB ký kết khoản vay đầu tiên trong tổng gói vay 120 triệu USD từ nguồn vốn trực tiếp của IFC. Khoản vay có kỳ hạn 3 năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng danh mục cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của SHB, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

IFC cũng dự kiến sẽ cung cấp hạn mức bảo lãnh tài trợ thương mại 75 triệu USD cho SHB trong khuôn khổ Chương trình Tài trợ Thương mại Toàn cầu (GTFP). Việc tham gia GTFP sẽ giúp SHB mở rộng mạng lưới ngân hàng đối tác toàn cầu, đồng thời góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về thương mại, hỗ trợ các hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Đa dạng hoá nguồn tài trợ công ty...

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB cho biết: “Có rất nhiều lợi ích nếu các doanh nghiệp Việt được vay vốn trực tiếp từ các định chế tài chính nước ngoài”.

Đầu tiên là đa dạng hóa các nguồn tài trợ của công ty, giúp doanh nghiệp bớt phụ thuộc vào nguồn tài trợ gần như duy nhất là tín dụng ngân hàng và tăng cường khả năng phục hồi.

“Chúng tôi lưu ý, các ngân hàng trong nước đều có giới hạn cho mỗi doanh nghiệp vay và một số công ty rất lớn ở Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn vay tại nhiều ngân hàng trong nước. Do đó, việc đa dạng hóa các nguồn tài trợ này rất có ý nghĩa”, ông Andrew Jeffries nói.

Một lợi ích khác là cải thiện hồ sơ của các doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng. Ông Andrew Jeffries cho biết, việc cho vay xuyên biên giới của các định chế tài chính nước ngoài khó khăn hơn một chút và có một quy trình thẩm định nghiêm ngặt. Các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chí thẩm định, nhằm thể hiện cho các đối tác tiềm năng biết rằng họ đang hoạt động ở mức tốt.

Bên cạnh đó, các ngân hàng có cơ hội học hỏi từ định chế tài chính quốc tế về những loại hình đầu tư. Ví dụ, nhiều ngân hàng trong nước đã được hưởng lợi từ các định chế tài chính quốc tế khi vừa đầu tư vào vốn chủ sở hữu vừa chia sẻ các thông lệ ngân hàng quốc tế với đối tác trong nước.

Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh: “Vì vậy, bên cho vay quốc tế có thể góp phần củng cố thành công và hiệu quả hoạt động của đối tác trong nước, từ đó giúp hình thành và phát triển mối quan hệ đối tác tốt”.

Tin bài liên quan