Nhiều ngân hàng vẫn muốn tổ chức đại hội trực tuyến

Nhiều ngân hàng vẫn muốn tổ chức đại hội trực tuyến

(ĐTCK) Mặc dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, song không ít ngân hàng vẫn muốn tiến hành ĐHCĐ qua hình thức trực tuyến, thay vì phương thức truyền thống như mọi năm.

HDBank vừa tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) trực tuyến và biểu quyết điện tử. Thời gian tiếp nhận ý kiến cổ đông dự kiến vào ngày 21/5, ngày công bố thông tin biên bản kiểm phiếu và Nghị quyết ĐHCĐ về vấn đề này là trước ngày 30/5/2020.

Theo HDBank, pháp luật hiện cho phép doanh nghiệp tiến hành ĐHCĐ trực tuyến cũng như ghi nhận quyền cổ đông trong việc tham gia các cuộc họp này và thực hiện các quyền biểu quyết, bầu cử thông qua phương thức bỏ phiếu điện tử.

Hiện tại, điều lệ và quy chế nội bộ về quản trị ngân hàng của HDBank mới ghi nhận quyền của cổ đông trong việc tham gia ĐHCĐ trực tuyến và bỏ phiếu điện tử, mà chưa quy định và hướng dẫn chi tiết cho việc thực quyền này.

Để đa dạng hóa và vận dụng tối đa các hình thức ĐHCĐ cũng như phương thức biểu quyết, bầu cử của ĐHCĐ mà pháp luật cho phép, nhất là khi dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn như hiện nay.

HDBank quyết định lấy ý kiến cổ đông thông qua vấn đề này nhằm hạn chế việc tập trung quá đông người tại một địa điểm, tránh dịch bệnh lây lan.

Tương tự, Sacombank cũng dự kiến sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua quy chế tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử và triệu tập ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2019 bằng hình thức họp trực tuyến.

Theo đó, Sacombank dự kiến sẽ tổ chức ĐHCĐ trực tuyến vào ngày 5/6/2020 tại  Hội sở Ngân hàng (số 266-268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa,  quận 3, TP.HCM). Sacombank cho biết, những năm gần đây, Ngân hàng chú trọng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, quản trị và điều hành để nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng năng suất lao động. Ứng dụng công nghệ hiện đại cho phép Sacombank tổ chức ĐHCĐ trực tuyến với số lượng người tham dự cả chục nghìn người.

Thực tế, từ đầu mùa dịch đến nay, đã có một số doanh nghiệp niêm yết tổ chức ĐHCĐ dưới hình thức kết hợp trực tuyến và trực tiếp như FPT, Phát Đạt, Đạt Phương, Traphaco..., trong khi lĩnh vực ngân hàng chưa có đơn vị nào tổ chức theo hình thức này.

Hiện tại, các ngân hàng Sacombank, HDBank và một số nhà băng khác đang xin ý kiến cổ dông về việc tổ chức đại hội trực tuyến.

ABBank dự định sẽ tiến hành ĐHCĐ trực tuyến nếu dịch bệnh kéo dài. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, ngân hàng này đã chốt lịch tiến hành ĐHCĐ theo hình thức truyền thống dự kiến diễn ra vào ngày 12/6/2020 tại Hà Nội.

Tại Nam A Bank, sau khi hủy ĐHCĐ dự kiến diễn ra ngày 23/3 tại Đà Lạt vì thực hiện quy định giãn cách xã hội, ngân hàng này đang xem xét việc tổ chức ĐHCĐ theo phương thức trực tiếp hay truyền thống để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Trước đó, do dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp, nên các ngân hàng đồng loạt lùi thời gian tổ chức ĐHCĐ sang muộn nhất là cuối tháng 6/2020 để đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, cho dù đa phần đã chốt lịch họp vào cuối tháng 4.

Vì thế, ngay khi dịch bệnh có diễn biến tích cực hơn, nhiều ngân hàng gồm Nam A Bank, ACB, MB, Techcombank, SeABank, Eximbank… đều dự kiến tiến hàng ĐHCĐ vào tháng 6 tới.

Theo Khoản 2, Điều 136 - Luật Doanh nghiệp 2014, ĐHCĐ thường niên cần được tổ chức mỗi năm 1 lần trong vòng 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tại Việt Nam, đa phần năm tài chính của doanh nghiệp đại chúng sẽ kết thúc vào ngày 31/12 hàng năm, nên ĐHCĐ được tiến hành trước ngày 30/4 năm kế tiếp. Doanh nghiệp được phép gia hạn ĐHCĐ, nhưng không vượt quá ngày 30/6.

Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho biết sẽ nghiên cứu đề xuất lùi thời hạn tổ chức ĐHCĐ thêm 3 tháng, tức đến ngày 30/9/2020.

Thực tế cho thấy, hình thức tổ chức ĐHCĐ trực tuyến được xem là giải pháp phù hợp để “gỡ khó” cho các doanh nghiệp trong mùa ĐHCĐ không chỉ năm nay, mà còn về sau bởi nhiều lợi ích thiết thực.

Đơn cử, ĐHCĐ trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ cho cả cổ đông và doanh nghiệp so với việc tổ chức ĐHCĐ theo hình thức truyền thống (với doanh nghiệp là chi phí thuê địa điểm, đón tiếp, in ấn..., còn với cổ đông là chi phí đi lại, ăn ở…).

Điều này đặc biệt thích hợp với những doanh nghiệp quy mô với số lượng cổ đông lớn, bởi việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến sẽ giúp các cổ đông cá nhân có điều kiện tham gia và thực hiện quyền cổ đông của mình.

Tin bài liên quan