Tác động từ Fed
Kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày vừa qua, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản USD lên mức 1,5%. Mặc dù việc này đã được các doanh nghiệp, các định chế tài chính dự báo, dự phòng từ trước và tất cả đã được tính trong chi phí, tỷ giá, lãi suất..., nhưng lãi suất huy động VND của ngân hàng trong nước vẫn có xu hướng tăng nhẹ, nhất là khi mùa kinh doanh vốn vào giai đoạn cao điểm.
VPBank đã nâng lãi suất huy động VND ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất 0,3% và nhiều nhất là 0,6%.
Theo TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, tăng trưởng huy động vốn hiện vẫn ổn định và thanh khoản tốt, nhưng không có nghĩa là các ngân hàng không phải cạnh tranh gay gắt trong huy động tiền tiết kiệm. Đáng chú ý hơn, so với lãi suất tiền gửi VND, lãi suất tiết kiệm USD hiện bằng 0%, song nhiều người vẫn nắm ngoại tệ, thay vì tiền đồng.
VPBank đã nâng lãi suất huy động VND ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất 0,3% và nhiều nhất là 0,6%. Cụ thể, với các khoản tiền gửi dưới 100 triệu đồng, Ngân hàng áp dụng lãi suất 5,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 - 5 tháng, nhưng cứ trên 100 triệu đồng thì lãi suất là 5,5%/năm (mức cũ trước điều chỉnh là 5%/năm). Lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng được VPBank điều chỉnh tăng mạnh nhất, từ 6,4% lên 7%/năm cho khoản tiền dưới 100 triệu đồng và dao động từ 7,1 đến 7,4%/năm cho khoản tiền lớn hơn.
BIDV cũng là ngân hàng lớn đầu tiên khơi mào làn sóng tăng lãi suất huy động VND.
Theo đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được hưởng lãi suất 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2%/năm, tương đương kỳ hạn 5 tháng.
Trong khi đó, với các kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng, VietinBank đã tăng mức lãi suất từ 5,5-5,7% lên 5,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8%/năm. Còn Sacombank vừa điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2%, lên mức 5,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1%, lên mức 5,5%/năm.
Nhu cầu vốn tăng
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng này đến gần cuối năm 2017 đạt trên 10%, tỷ lệ vốn cho vay trên huy động chỉ ở mức 70-80%. Song trước động thái mới của Fed và nhu cầu vốn của khách hàng tăng cao trong dịp cuối năm nay, nên thanh khoản luôn được Ngân hàng chú ý đảm bảo.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, trong năm qua, tín dụng tăng, “room” tín dụng của nhiều ngân hàng sớm cạn khi chưa kết thúc năm tài chính 2017. Do đó, năm 2018 cận kề, “room” tín dụng mới được cấp là cơ hội để ngân hàng tăng trưởng hoạt động cho vay. Mặt khác, việc áp dụng các quy định theo chuẩn quốc tế sẽ tạo áp lực không nhỏ trong huy động vốn với ngân hàng, vì tỷ lệ cho vay trên huy động không cao như trước, do đó việc chuẩn bị thanh khoản là cần thiết.
BIDV là ngân hàng lớn đầu tiên khơi mào làn sóng tăng lãi suất huy động VND.
Mặc dù thanh khoản được các ngân hàng cho là dồi dào và đang từng bước chuẩn bị nguồn để đáp ứng cầu vốn tăng cao năm 2017, nhưng cũng không loại trừ áp lực huy động trước sức ép Fed, bất động sản ấm dần và thương hiệu của một số ngân hàng bị ảnh hưởng do nợ xấu, lợi nhuận giảm…
Thực tế cho thấy, trong năm qua, vẫn còn một số ngân hàng tăng trưởng huy động vốn âm. Đơn cử, tại Techcombank, tiền gửi của khách hàng giảm 4%, còn 166.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2017. Tuy nhiên, so với các ngân hàng cùng tầm, chưa kể ngân hàng nhỏ hơn, Techcombank vẫn có lợi thế trong huy động tiết kiệm về cả thị phần lẫn quy mô.
Mặt bằng lãi suất năm 2017 được dự báo sẽ ổn định, nhưng khả năng tăng nhẹ vào cuối năm là khó tránh. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, lãi suất huy động nhiều khả năng sẽ không tăng mạnh, mà xoay quanh mặt bằng hiện nay. Nhưng do nhu cầu tín dụng tăng, mặt bằng lãi suất thay đổi nhẹ trước xu hướng tăng lãi suất của Fed.