Năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về 3%.

Năm 2018, Sacombank đặt mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về 3%.

Nhiều ngân hàng thận trọng lên kế hoạch 2018

(ĐTCK) Tuy sớm thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2017, song lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết, có không ít thách thức, tồn đọng cần giải quyết nên sẽ cân nhắc kỹ các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 trước khi trình Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên sắp tới.

Năm 2017, nhiều ngân hàng đạt kết quả lợi nhuận khả quan nhờ nguồn thu từ tín dụng, dịch vụ cải thiện mạnh và khoản dự phòng được hoàn nhập khi tiến độ xử lý nợ xấu được đẩy nhanh sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (có hiệu lực từ 15/8/2017).

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, năm 2017, các chỉ tiêu kinh doanh chủ yếu của Ngân hàng đều đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.000 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2016 và hoàn thành hơn 169% kế hoạch.

Với những kết quả tích cực về mặt tài chính, Eximbank đã hoàn tất quá trình điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và cơ cấu tín dụng nhằm đảm bảo các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước. Đây là cơ sở cho sự phát triển ổn định và bền vững của Ngân hàng, đồng thời tình trạng lỗ lũy kế và cảnh báo giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đối với cổ phiếu EIB trong hai năm qua sẽ sớm được gỡ bỏ.

Tuy nhiên, ông Quyết cho hay, bước sang năm 2018, bên cạnh những thuận lợi cơ bản từ kết quả hoạt động năm 2017, Eximbank vẫn tiếp tục phải tập trung giải quyết những thách thức, tồn đọng từ nhiều năm trước trong quá trình tái cơ cấu để lành mạnh hóa hoạt động.

Thứ nhất, cải thiện khả năng sinh lời thông qua việc tập trung xử lý nợ xấu và những tài sản tồn đọng không sinh lời quy mô lớn.

Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ tăng tổng tài sản thông qua mở rộng mạng lưới hoạt động tại những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển để mở rộng cơ sở khách hàng, từng bước thu hẹp khoảng cách thị phần với các đối thủ cạnh tranh.

Thứ ba, triển khai đồng bộ dự án New Eximbank ở mọi cấp để nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động trong toàn hệ thống.

Về kế hoạch lợi nhuận, HĐQT và Ban điều hành Eximbank sẽ cân nhắc để đưa ra mức phù hợp với tình hình kinh doanh, trong bối cảnh tín dụng được dự báo sẽ cải thiện, nhưng khó đột biến.

Sacombank cho biết, tổng tài sản của Ngân hàng đến cuối năm 2017 đạt hơn 364.000 tỷ đồng, tăng 10,6%; tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 323.000 tỷ đồng, tăng 11,4%; dư nợ tín dụng hơn 219.000 tỷ đồng, tăng 12,6% so với đầu năm.

Đặc biệt, tỷ suất sinh lời của Sacombank dần được cải thiện với tổng thu nhập đạt 8.200 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2016, tạo nguồn lực tài chính để xử lý các tồn đọng. Thu dịch vụ năm 2017 của Sacombank tăng trưởng tốt, đạt 2.395 tỷ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng 29,6%.

Kết thúc năm 2017, Ngân hàng đã xử lý được hơn 19.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng. Trong đó: thanh lý tài sản nhận cấn trừ nợ gần 2.800 tỷ đồng; bán nợ theo giá thị trường 2.600 tỷ đồng cho VAMC; tự xử lý, thu hồi nợ xấu và các khoản phải thu được hơn 14.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, cuối năm 2017 giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018.

Sacombank đã sớm thực hiện vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2017 khi đạt hơn 1.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 9/2017. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch hoạt động năm 2018, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết: “Quan trọng nhất là chúng tôi phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản. Mục tiêu xuyên suốt là đẩy mạnh nghiệp vụ bán lẻ, tăng doanh thu từ mảng dịch vụ để đóng góp tích cực vào lợi nhuận của Ngân hàng”.

Theo ông Minh, quan điểm quản trị của Ngân hàng là minh bạch, giải quyết dứt điểm sở hữu chéo, đa dạng hoá cơ cấu cổ đông, tiết giảm chi phí hợp lý trong hoạt động.

Vietcombank vừa thông báo lãi 10.000 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 20% so với năm 2016 và vượt 8,7% kế hoạch. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng đưa ra con số dự kiến lợi nhuận năm 2017. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Vietcombank có thể đạt 13.046 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2018.

BIDV lãi trước thuế kỷ lục hơn 8.800 tỷ đồng trong năm 2017, các chỉ tiêu chủ yếu khác đều đạt và vượt kế hoạch. Tổng tài sản đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2016 và duy trì vị trí số 1 về tài sản. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2016.

Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016, trong đó cho vay nền kinh tế đạt 862.604 tỷ đồng, tăng 17% và chiếm 13,12% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng. Chênh lệch thu chi đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay là 24.032 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2016.

Trước đây, câu lạc bộ “nghìn tỷ lợi nhuận” thuộc về các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước và những ngân hàng tốp đầu, thì nay có thêm không ít nhà băng quy mô tầm trung. Chẳng hạn, trong năm qua, HDBank đạt 2.420 tỷ đồng lợi nhuận, TPBank đạt 1.205 tỷ đồng lợi nhuận, OCB đạt 1.000 tỷ đồng lợi nhuận.

Lợi nhuận tăng mạnh trong năm qua, nhưng nhiều ngân hàng không quá lạc quan về triển vọng năm 2018, bởi cạnh tranh trong việc giữ và mở rộng thị phần huy động, tín dụng ngày càng gay gắt; lãi suất cho vay phải nỗ lực giảm dần, trong khi chi phí huy động đầu vào khó giảm, thậm chí còn tăng.

Tin bài liên quan