Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nguồn vốn huy động tăng trưởng, song chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, cùng với đó các kênh đầu tư khác vẫn trên đà tăng, trong khi lãi suất tiền gửi được ngân hàng giảm mạnh thời gian qua nên để huy động được tiền gửi các nhà băng bắt đầu điều chỉnh tái tăng lãi suất huy động.

Lãi suất huy động vốn rục rịch tăng

Sacombank áp dụng biểu lãi suất mới từ 10/5 và tăng 0,1 - 0,2 %/năm đối với nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5%/năm.

Trong khi đó, các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng tăng 0,1 điểm phần trăm lên lần lượt 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.

Tương tự, biểu lãi tiền gửi online của Sacombank cũng tăng 0,1 - 0,2%/năm. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng là 6,7% thay vì 6,5%/năm như trước đó, áp dụng cho hình thức gửi online kỳ hạn 36 tháng.

SHB vừa công bố biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, áp dụng từ 27/5. So với hồi tháng 4, hiện lãi suất của SHB tăng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn.

Chẳng hạn, ở kỳ hạn 36 tháng, lãi suất khi gửi tại quầy hiện nay là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm, đều tăng 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,8%/năm (khi gửi tại quầy số tiền từ 2 tỷ đồng trở lên), tăng 0,35 điểm phần trăm khi gửi online lên 6,15%/năm.

Tương tự, kỳ hạn 24 tháng tăng 0,1 - 0,25%/năm lên 6,2 - 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,2 - 0,25%/năm lên 5,3-5,75%/năm.

Techcombank vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng từ 0,1 - 0,2%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động 2 tháng lên 2,4%/năm, 3 tháng lên 2,6%/năm, 6 tháng lên 3,8%/năm.

Ngoài ra, các nhà băng còn tăng cường phát hành trái phiếu bổ sung cho nguồn vốn hoạt động với lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm từ 1 - 1,2%/năm.

Chẳng hạn VietinBank vừa tuyên bố phát hành thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 8 năm, lãi suất 6,475%/năm và 85 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất 6,7%/năm.

Tương tự, Agribank cũng vừa phát hành 1.789 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành thực tế 6,88%/năm.

Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chính thức vượt qua vùng dao động 1,2%. Theo đó, sau khoảng thời gian từ nửa cuối tháng 4 đến tuần đầu tiên tháng 5 tăng nóng, lãi suất liên ngân hàng có hai tuần liên tiếp đi ngang ở mặt bằng mới. Nhưng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng nhích lên từ 25/5.

Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,06 - 0,15 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.

Ngày 26/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng 0,02 - 0,05 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; qua đêm chào bình quân 1,43%, 1 tuần là 1,5%, 2 tuần là 1,57% và 1 tháng là 1,62%.

Lãi suất huy động tái tăng là do tốc độ tăng trưởng huy động đang chậm hơn so với tín dụng. Đồng thời, các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản, vàng) tăng trở lại, nên các ngân hàng phải tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.

... Và có thể sẽ tiếp tục?

Theo số liệu của NHNN - TP.HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 30/4/2021 (số liệu dự ước) đạt 2.927.000 tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 0,65% so với cuối năm trước.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc phụ trách NHNN - TP.HCM, đây cũng là tháng thứ hai huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng trưởng dương.

Huy động vốn trên địa bàn tháng 3/2021 tăng trưởng (tăng 0,76% so với tháng trước), và là tháng đầu tiên tăng trưởng huy động vốn kể từ đầu năm (tháng 1 giảm 0,26%, tháng 2 giảm 0,25%).

Thực tế, lãi suất tiết kiệm hiện giảm mạnh so với đầu năm ngoái khi NHNN đã ba lần ra quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5 - 2 điểm %/năm trong năm qua.

Mức trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã xuống 4%/năm, còn đối với kỳ hạn 6 - 13 tháng thì lãi suất cao nhất 5,6%/năm.

Hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào và mặt bằng lãi suất tiền gửi, cho vay vẫn ổn định. Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia SSI, trong nửa cuối năm 2021, cầu tín dụng và lạm phát có xu hướng tăng cao hơn sẽ khiến lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng từ 0,3 - 0,5%.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (DVSC) cũng dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào nửa cuối năm 2021.

Tin bài liên quan