Cụ thể, Techcombank (TCB) có kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Ngân hàng này dự kiến phát hành gần 21,4 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng với tỷ lệ hơn 0,3%, với giá phát hành là 10.000 đồng/cp. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là gần 214 tỷ đồng.
Thời gian phát hành dự kiến thực hiện trong quý 3 hoặc quý 4/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu theo chương trình.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng từ gần 70.649 tỷ đồng lên hơn 70.862 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt phát hành ESOP này sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn hoạt động ngân hàng.
Techcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ sẽ nâng cao năng lực đảm bảo đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao trong hoạt động của ngân hàng, tăng trưởng nguồn vốn trung dài hạn để phục vụ nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, VIB chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 14% và phát hành 7,8 triệu cổ phiếu ESOP. Khi đó, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.
Toàn bộ vốn tăng thêm sẽ được VIB sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh cấp tín dụng, đầu tư vào tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, mở rộng mạng lưới chi nhánh… Nhà băng này đặt mục tiêu đạt lợi nhuận trước thuế 11.020 tỷ đồng trong năm 2025, tăng 22% so mức thực hiện năm 2024.
Theo phương án tăng vốn điều lệ của Nam A Bank (NAB) năm 2025, ngân hàng dự kiến tăng thêm hơn 4.200 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ hơn 13.700 tỷ đồng lên mức hơn 18.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn này được thực hiện thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP.
Trong đó, về phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, ngân hàng này sẽ phát hành thêm hơn 343,1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 25% từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hoạt động này góp phần giúp vốn điều lệ Nam A Bank tăng thêm hơn 3.431 tỷ đồng.
Còn về phương án ESOP, Nam A Bank dự kiến sẽ phát hành 85 triệu cổ phiếu, giúp vốn điều lệ tăng thêm 850 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là cán bộ nhân viên của ngân hàng. Ngoài ra, việc phát hành cổ phiếu ESOP sẽ được thực hiện sau khi Nam A Bank đã hoàn thành chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Việc tăng vốn nêu trên nhằm thực hiện định hướng chiến lược phát triển Nam A Bank năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Đồng thời nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh doanh và quản trị rủi ro, gắn kết lợi ích của người lao động với kết quả hoạt động của ngân hàng.
Bên cạnh đó, Nam A Bank cũng trình phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ tối đa 2.000 tỷ đồng, khối lượng dự kiến phát hành là 20.000 trái phiếu nhằm tăng quy mô nguồn vốn hoạt động, bổ sung nguồn vốn trung dài hạn phục vụ nhu cầu cấp tín dụng cũng như thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong năm nay, OCB tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (cổ phiếu thưởng). Cụ thể, Ngân hàng dự kiến phát hành 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8%. Theo đó, vốn điều lệ OCB sẽ tăng từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.
Trước đó, OCB thường sử dụng lợi nhuận để phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Trong năm 2024, Ngân hàng đã tăng vốn từ 20.548 tỷ đồng lên gần 24.658 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu ESOP và phát hành cổ phiếu riêng lẻ chưa được triển khai do tình hình thị trường chưa phù hợp.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ nhu cầu gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là cải thiện hệ số CAR.
Trong đó, việc tăng cường phát hành cổ phiếu ESOP cũng là một trong những giải pháp giúp ngân hàng giữ được chân người tài, gắn bó với tổ chức hoạt động, đồng thời tăng lực tài chính.