Hiện tại, thị trường tài chính cũng như nhà đầu tư đang hướng về mùa ĐHCĐ ngân hàng, khi những thông tin như biến động nhân sự cấp cao, nợ xấu, cổ tức… sẽ được sáng tỏ. Đặc biệt là những ngân hàng nhỏ, khi các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập với ngân hàng khác, tăng vốn để nâng cao lực tài chính…, đang là những điểm "nóng”.
Vì vậy, ĐHCĐ thường niên hàng năm được xem là cơ hội duy nhất để các cổ đông, nhà đầu tư và thị trường nắm bắt tình hình hoạt động của ngân hàng, khi theo quy định, các nội dung họp phải được công bố tối thiểu một tuần trước ngày diễn ra đại hội.
Thế nhưng, không ít ngân hàng dù sắp tiến hành đại hội, song các thông tin quan trọng vẫn được dấu kín. Đơn cử, Saigonbank dự kiến tiến hành ĐHCĐ thường niên 2017 vào cuối tháng 4 này, nhưng đến nay, Ngân hàng vẫn chưa công bố tài liệu ĐHCĐ năm nay. Trong năm qua, Saigonbank vẫn chưa thể thực hiện kế hoạch tăng vốn từ mức trên 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng như kế hoạch, dù đã được NHNN chấp thuận trước đó 3 năm. Trong khi đó, Vietinbank đã giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 10,39% xuống còn 4,91% vốn.
Đứng trước áp lực tăng vốn và xử lý nợ xấu, Saigonbank có tránh được làn sóng M&A, hay phải sáp nhập vào ngân hàng khác? Trước đó, Vietcombank từng có ý định sáp nhập Saigonbank, nhưng HĐQT Saigonbank chưa đưa ra quyết định. Kết thúc năm tài chính 2016, Saigonbank đạt 174 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nhưng con số trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lên tới 136 tỷ đồng.
Trên thị trường, VietBank được xem là một trong những ngân hàng “kiệm lời” nhất. Gần đây, VietBank rầm rộ tuyển thêm lao động, nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh sau một thời gian trầm lắng.
VietBank hiện cũng nằm trong top những ngân hàng quy mô vốn nhỏ, chỉ nhỉnh hơn mức vốn pháp định theo quy định 3.000 tỷ đồng. Vào đầu năm nay, VietBank chỉ được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.249 tỷ đồng.
Tương tự, Viet Capital Bank, Kienlongbank, PGBank cũng là những ngân hàng có mức vốn điều lệ thấp nhất trên thị trường hiện nay. Viet Capital Bank sẽ tiến hành ĐHCĐ vào ngày 26/4 tới, nhưng các thông tin về hoạt động cũng chưa được công bố rộng rãi. Gần hơn, vào ngày 21/4, Kienlongbank sẽ tiến hành ĐHCĐ, song thông tin mà ngân hàng này đưa ra là chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay ở mức 300 tỷ đồng và không có kế hoạch tăng thêm vốn.
Bên cạnh tăng vốn để nâng cao sức cạnh tranh, thì việc thúc đẩy các ngân hàng cổ phần đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, hoặc niêm yết trên 2 sàn chính thức cũng là động lực để buộc phải minh bạch.
Theo quy định của Thông tư số 180/2015/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016. Do vậy, với các ngân hàng chưa niêm yết, việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên UPCoM phải sớm được triển khai sau khi được cổ đông thông qua.
Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, tuy không bắt buộc lên sàn chứng khoán chính thức, nhưng đều phải lên sàn UPCoM để cải thiện sự minh bạch, cũng như cơ hội tăng vốn.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán từng có công văn “thúc” các ngân hàng thương mại cổ phần về chủ trương và lộ trình đưa cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành, điều này cũng chỉ dừng ở mức nhắc nhở, không mang tính bắt buộc, nên một khi thị trường chưa thuận, các ngân hàng sẽ còn “ngại” lên sàn.