Hiện còn nhiều ngân hàng quy mô nhỏ và vừa như VietABank, BacA Bank, VietBank… chưa tính đến kế hoạch sáp nhập, hợp nhất
Thậm chí, với một số ngân hàng yếu kém, nếu không khắc phục được hậu quả, sẽ phải đối mặt với việc mua lại với giá 0 đồng.
Trước câu hỏi của nhiều cổ đông tại kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tuần qua về việc tại sao chưa có thông tin sáp nhập vào Vietcombank như tin đồn, HĐQT Saigonbank cho biết, chủ trương của Ngân hàng là tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc và nâng cao năng lực tài chính, quản trị. Còn về vấn đề sáp nhập, hiện Saigonbank vẫn chưa tính đến. Cơ quan chủ quản của Saigonbank là Thành ủy TP.HCM cũng chưa có ý kiến và kế hoạch cụ thể về vấn đề này nên Saigonbank chưa có kế hoạch sáp nhập.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng, nếu không tính đến chuyện sáp nhập, Saigonbank khó có thể tự đứng vững.
Mặc dù không nằm trong danh sách tái cấu trúc bắt buộc theo yêu cầu của NHNN, song với quy mô vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng cùng nợ xấu cao, Saigonbank khó tránh được vòng xoáy M&A khi nợ xấu tăng lên mức đáng kể.
Hiện trên thị trường còn nhiều ngân hàng quy mô nhỏ và vừa như VietABank, BacA Bank, VietBank… cũng chưa tính đến kế hoạch sáp nhập, hợp nhất.
Tại kỳ đại hội đồng cổ đông năm nay, không ít HĐQT ngân hàng nhỏ vẫn khẳng định, chưa có kế hoạch M&A. Trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 diễn ra ngày 24/4 về việc Kienlongbank có thực hiện sáp nhập, hợp nhất trong thời gian tới hay không, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank khẳng định, Kienlongbank chưa có kế hoạch M&A. Tuy nhiên, trong chiến lược hoạt động, Kienlongbank sẵn sàng hợp tác với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước để cùng xây dựng và phát triển Kienlongbank ngày càng lớn mạnh.
Chủ tịch HĐQT một ngân hàng quy mô vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng trên địa bàn TP.HCM cho biết, quá trình tái cấu trúc là cơ hội M&A để mở rộng mạng lưới và quy mô hoạt động. Thế nhưng, trong 3 năm qua, dù ngân hàng ông ra sức tìm kiếm đối tác để hợp tác, hợp nhất, sáp nhập, song đến nay, vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp. Vì vậy, ngân hàng của ông sẽ tự tái cấu trúc theo đề án đã được NHNN phê duyệt.
Không chỉ với Saigonbank, Kienlongbank, hiện còn nhiều nhà băng nhỏ khác đang tồn tại trên thị trường cũng nói không với M&A. Tất nhiên, không nhà băng nào muốn phải sáp nhập, hợp nhất. Thế nhưng, theo chuyên gia tài chính - kinh tế Lê Xuân Nghĩa, với quy mô và năng lực quản trị kém, ngân hàng nhỏ cần tính đến việc M&A.
“Mục tiêu giảm số lượng ngân hàng xuống còn 20-25 tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống đòi hỏi các ngân hàng phải có sự nỗ lực rất lớn trong hoạt động mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh. Do đó, thời gian tới, hoạt động của ngành phải có sự thay đổi về mọi mặt”, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ nhấn mạnh.