Tiếp tục phân hóa
Năm 2023 đã khép lại và bắt đầu có ngân hàng công bố kết quả kinh doanh cả năm với lợi nhuận ước tính tăng mạnh. Cụ thể, Sacombank trở thành ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước tăng 50% so năm 2022, đạt 9.500 tỷ đồng và hoàn thành 100% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao phó. Tổng tài sản ước đạt gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 2%. Sacombank cũng là ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong 9 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 66%.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Việt Hà - Phó tổng giám đốc PVcomBank cho biết, kết thúc năm 2023, Ngân hàng ước hoàn thành 129% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận trước thuế; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lớn hơn 8%. Được biết, trong năm qua, PVcomBank đặt mục tiêu doanh thu ngân hàng mẹ đạt 15.024,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 80 tỷ đồng. Với ngân hàng hợp nhất, kế hoạch doanh thu là 15.559,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 109 tỷ đồng.
Trước đó, tại kỳ công bố báo cáo tài chính quý III/2023, OCB cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về lợi nhuận với tăng 47,8%; Kienlongbank tăng 24,6%... Tuy nhiên, dựa vào kết quả kinh doanh các quý trước, nhiều dự báo cho rằng, lợi nhuận ngân hàng năm nay sẽ giảm tốc, thậm chí còn khó cán đích lợi nhuận cả năm đặt ra và tính đến cuối quý III/2023, nhiều ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước như ABBank giảm 59,6%; Eximbank giảm 46,5%; VietABank giảm 25,7%...
Trong số 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2023 được thống kê, có 8 ngân hàng chưa hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm và phần lớn hoàn tất 50-60% kế hoạch. Tuy nhiên, đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, hầu hết ngân hàng đều chưa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận - điều thường diễn ra trong bối cảnh tín dụng khó khăn, một phần do đặt nhiều kỳ vọng trong quý còn lại của năm.
Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tiếp tục giảm trong quý IV/2023 nhờ tiền gửi chi phí thấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu khi tính đến ngày 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành mới đạt gần 10%, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể không cải thiện ngay lập tức. Trong quý III/2023, phần lớn ngân hàng niêm yết có NIM giảm so với cùng kỳ, trong khi đây là chỉ số phản ánh khả năng sinh lời của ngân hàng.
Còn PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, lợi nhuận ngân hàng năm 2023 có phần giảm tốc, nhưng không quá mạnh. Hiện tại, đa số ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng được cấp, ngoại trừ 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Các ngân hàng thừa vốn hiện nay cũng chủ yếu tập trung ở 4 đơn vị này. Vì thế, theo ông Huân, khả năng lợi nhuận ngân hàng năm nay tăng chậm chứ không giảm nhiều, nếu đạt lợi nhuận cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.
Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân gặp khó trong sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng… dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm, các ngân hàng cũng khó khăn trong việc cho vay. Mặt khác, nợ xấu có xu hướng tăng, đặc biệt đối với các khoản cho vay đầu tư bất động sản, cho vay tiêu dùng (bao gồm cho vay mua, xây, sửa nhà…). Điều này khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu, dẫn đến bào mòn lợi nhuận. Đây là những yếu tố chính khiến lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, khả năng nhiều ngân hàng sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho năm 2023.
Kỳ vọng gì trong năm 2024?
Hiện tại, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới đã dừng lại và được dự báo sẽ sớm đảo chiều. Mặt bằng lãi suất trong nước cũng liên tục giảm nhiều tháng qua. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất của ngành ngân hàng đã qua đi.
Công ty cổ phần Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating) đưa ra dự báo, lợi nhuận toàn ngành sẽ tăng trong năm 2024 nhờ NIM tăng khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay. Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV/2022 dần đáo hạn và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên trong môi trường lãi suất thấp, chi phí huy động vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.
Còn các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, khó khăn vẫn chưa hoàn toàn qua đi đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh NIM chưa thể phục hồi ngay và chất lượng tài sản suy yếu. Tuy nhiên, với mức nền thấp của năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sẽ tương đối khả quan. Lợi nhuận sau thuế của 12 ngân hàng (gồm ACB, Sacombank, BIDV, VietinBank, HDBank, MB, OCB, Techcombank, TPBank, Vietcombank, VPBank, VIB) mà MBS đang theo dõi dự phóng tăng 25,1% trong năm 2024. Trong đó, Sacombank tăng 73,4% lên 12.279 tỷ đồng; VPBank tăng 40,4% lên 17.772 tỷ đồng và OCB tăng 34,1% lên 6.247 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại đều được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương, thấp nhất là gần 13%, lý do bởi tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong 6-9 tháng tới. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng đều tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn.
Theo các chuyên viên phân tích, đà tăng trưởng NIM đã có sự chậm lại trong quý III/2023. Mức lãi suất huy động toàn hệ thống hiện nay đang thấp hơn so với đáy giai đoạn dịch bệnh, cho dù lãi suất điều hành cao hơn 50 điểm cơ bản. Mặt bằng lãi suất huy động thấp được đánh giá là cơ hội để các ngân hàng gia tăng NIM. Tuy nhiên, việc giữ lãi suất cho vay thấp cũng là yếu tố then chốt để các ngân hàng nhận được room tín dụng cao, từ đó gia tăng cạnh tranh cho vay. Do đó, NIM trong năm 2024 của hầu hết ngân hàng được dự báo chỉ tăng nhẹ so với năm 2023. Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối được cho là sẽ không có được sự phục hồi NIM tốt như các ngân hàng tư nhân do hoạt động dưới vai trò công cụ điều tiết.
Một số chuyên gia nhận định, ngành ngân hàng sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2024 khi nợ xấu tiếp tục đè nặng, làm gia tăng áp lực trích lập dự phòng, nhất là khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực từ ngày 30/6/2024.
PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian qua, ngành ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu, giảm cho vay vào lĩnh vực rủi ro, nhưng khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực thì các khoản nợ này sẽ về đúng nhóm nợ và nợ xấu sẽ xuất hiện nhiều hơn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải xuất quỹ dự phòng để xử lý nên lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Theo số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9/2023, tổng dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 1,09% tổng tín dụng toàn hệ thống. Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2023 tại các ngân hàng cho thấy, hầu hết đều ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với các quý trước đó. Tổng nợ xấu tính đến hết quý III/2023 tăng 61% so với quý liền trước, lên 196.755 tỷ đồng. Nợ nhóm 3, 4, 5 (nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có khả năng mất vốn) đều tăng.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 duy trì ở mức 12% và tiếp tục chịu áp lực từ nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản chậm phục hồi. Dự báo về lợi nhuận trước thuế toàn ngành năm 2024, VCBS cho rằng, mức tăng có thể không cao như năm 2023, đạt khoảng 10% và sự phân hóa về triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ rõ nét hơn. Trong trường hợp thị trường bất động sản và kinh tế vĩ mô hồi phục chậm, lợi nhuận các ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Ngược lại, ngân hàng có “bộ đệm” dự phòng mạnh sẽ có động lực tăng trưởng cao, kỳ vọng vượt bình quân ngành với mức tăng trưởng lợi nhuận từ 18-20%.