Gần cạn room tín dụng, ngân hàng mong được nới
Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 vào khoảng 14%. NHNN cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng, với định hướng ưu tiên chỉ tiêu tín dụng cao đối với các ngân hàng đã thực hiện trước hạn các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Bởi vậy, những ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II kỳ vọng sẽ nới được thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã giao. Thậm chí để "đón đầu" cơ hội, những ngân hàng này đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức chung như VPBank (15%), MBBank (15%), TPBank (20%), HDBank (24%), OCB (30%) và VIB (35%).
Tại VPBank, kết thúc 3 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 6,8%, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018 (đạt 3,1%) và gấp 3 lần mức trung bình ngành là 2,28%.
TPBank là ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất, với mức tăng 9,8% trong quý I/2019. Nếu tính cả các cấu phần khác, dư nợ tín dụng của TPBank tăng khoảng 11%, trong khi hạn mức tín dụng được giao là 13%. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho hay, năm 2018, Ngân hàng được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% và sau đó được nới lên 18,5%. Với việc sử dụng gần hết room tín dụng trong quý I/2019 và đã đạt chuẩn Basel II, ông Hưng kỳ vọng TPBank sẽ được NHNN nới room tín dụng lên 20%.
Với VIB, sau 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng 5,9% đạt 100.870 tỷ đồng. Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, ông Ðặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HÐQT VIB kỳ vọng sẽ được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức 35%, nhưng nếu thấp hơn thì vẫn "vui vẻ" thực hiện trong khuôn khổ được giao.
Cũng đã đáp ứng chuẩn Basel II, ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng giám đốc OCB mong muốn được cấp room tín dụng ở mức cao trong năm nay, nhất là khi tăng trưởng tín dụng quý đầu năm của OCB nằm trong nhóm cao nhất, đạt 8,7%. Năm 2019, OCB dự kiến dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 75.253 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, nằm trong nhóm ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao không chỉ là các ngân hàng đã đáp ứng chuẩn Basel II, mà còn có nhiều ngân hàng khác.
Chẳng hạn, tại Vietcombank, ước tính tín dụng tăng trưởng hơn 6% trong 2 quý đầu năm 2019. Dù vậy, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HÐQT Vietcombank cho biết, nếu được cấp thêm room, Ngân hàng cũng sẽ cân nhắc và khả năng chỉ tăng trưởng trong hạn mức được cấp cho năm nay là 15%.
Ðại diện Sacombank cho hay, Ngân hàng sắp dùng hết hạn mức tín dụng được cấp khi tính đến cuối tháng 3/2019, dư nợ cho vay của Sacombank đạt 271.020 tỷ đồng, tăng 5,61% so với đầu năm. Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HÐQT Sacombank cho biết, Ngân hàng chỉ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 7% và hiện nhà băng này đang trình NHNN chấp thuận điều chỉnh tăng chỉ tiêu lên mức 15%. Tuy vậy, Sacombank chưa tiết lộ NHNN đã chấp thuận hay chưa.
Tại mùa Ðại hội đồng cổ đông năm nay, các ngân hàng cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phổ biến từ 12-14%, chẳng hạn BIDV tại mức 12%, MBBank là 14%, ACB và SCB cùng mức 13%... Một số ngân hàng có kế hoạch tăng thấp hơn như VietinBank từ 6-7%. Tất nhiên, cũng có không ít ngân hàng để ngỏ khả năng được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đáng kể so với hiện tại, cùng với đó là một kịch bản khác về lợi nhuận, bởi hoạt động tín dụng vẫn đang đóng góp trên dưới 70% tổng doanh thu của các nhà băng.
Ðánh giá về khả năng được nới room của các ngân hàng từ nay đến cuối năm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, chỉ các ngân hàng hoạt động lành mạnh, tỷ lệ nợ xấu thấp, lợi nhuận cao, có mạng lưới rộng, nguồn lực tài chính dồi dào mới có cơ hội được NHNN xem xét tăng hạn mức tín dụng năm 2019.
NHNN: Kiên trì với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%
Năm 2019, trên cơ sở bám sát Nghị quyết 01 của Chính phủ, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 8/01/2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng, trong đó định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 ở mức 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm kiểm soát lạm phát (dưới 4%), duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (GDP 2019 tăng trưởng 6,8%) theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra.
Thông tin từ NHNN cho biết, tính đến ngày 10/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thông suốt; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018. Tín dụng được hướng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được tăng cường kiểm soát...
Ðể kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đã đặt ra, cũng như hạn chế rủi ro nợ xấu, lãnh đạo NHNN cho biết, 6 tháng cuối năm 2019, NHNN tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm như: Ðiều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu còn tồn đọng song song với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống...
Hiện tại, NHNN đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014 quy định về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có nội dung giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn xuống 30% đến năm 2022. Quy định này không chỉ áp dụng riêng cho lĩnh vực bất động sản, mà áp dụng đối với khoản vay đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống trước những thay đổi về điều kiện kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định hoạt động ngân hàng, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.