Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết thúc 11 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 960 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến cả năm, OCB sẽ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 780 tỷ đồng đề ra.
“Bên cạnh lợi nhuận, các chỉ tiêu khác của OCB cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, với dư nợ cho vay tăng 22%, tổng huy động thị trường tăng 30%, trong khi tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức an toàn”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, hiện tại, lợi nhuận của OCB chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, chiếm gần 80%, số còn lại là dịch vụ và các hoạt động khác.
“Ngay từ cuối năm 2016, OCB có tốc độ thu hồi nợ quá hạn tốt, trong khi phát sinh nợ xấu thấp, đó là lý do chính giúp thu nhập lãi thuần trong năm 2017 tăng cao. Chất lượng tín dụng tốt sẽ hạn chế được dự phòng rùi ro tín dụng, dẫn đến khả năng sinh lời cao. Lợi nhuận của OCB trong năm 2017 không có phần hoàn nhập dự phòng như 1-2 năm trước, mà chủ yếu từ tín dụng, dịch vụ”, ông Tùng cho hay.
Tại LienVietPostBank, ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2017, LienVietPostBank lãi trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng, vượt hơn 10% so với kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm (1.500 tỷ đồng).
“Lợi nhuận của LienVietPostBank được dự báo sẽ khả quan hơn sau tháng kinh doanh cao điểm này, qua đó thể hiện sự tích cực trong cả năm tài chính 2017 và là một trong những ngân hàng về đích sớm nhất”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, ngoài lợi nhuận, các chỉ tiêu tài chính khác như huy động vốn, cho vay cũng đều vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến thời điểm 30/11/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 154.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn đạt trên 141.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt trên 98.000 tỷ đồng, các chỉ tiêu này đều tăng mạnh so với đầu năm. LienVietPostBank dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%.
Tại HDBank, sau 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng trưởng đột biến, đạt 279%. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đạt 1.912 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2016 và vượt 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm, trong đó lợi nhuận của riêng HDBank là 1.713 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, với những kết quả tích cực đạt được từ đầu năm đến nay, ước tính lợi nhuận của Ngân hàng năm nay có thể đạt 2.400 tỷ đồng. Cũng theo bà Thảo, mục tiêu lợi nhuận 2018 có thể tăng gấp đôi 2017.
Được biết, HDBank chuẩn bị bán 20% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong đợt IPO dự kiến tổ chức trong tháng 12 này, với kỳ vọng thu về 300 triệu USD và sẽ niêm yết cổ phần trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào đầu năm sau.
Nhận định về kế hoạch này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Mỹ) cho rằng, việc IPO sẽ tác động tích cực trong nâng hạng tín nhiệm của HDBank, do thương vụ này sẽ củng cố khả năng tạo vốn và khoảng đệm nguồn vốn cho quỹ dự phòng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh. Với giá trị ước tính 300 triệu USD, đây sẽ là cuộc IPO lớn thứ hai trong ngành ngân hàng tại Việt Nam, sau thương vụ IPO của Vietcombank trị giá 463 triệu USD hồi năm 2007.
Dưới góc nhìn của giới quan sát, có thể cuối năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón thêm một nhân tố mới từ ngành ngân hàng, sau khi VPBank và LienVietPostBank lần lượt đưa cổ phiếu chào sàn HOSE và UPCoM trong năm.
Về VPBank, đây cũng là ngân hàng ghi nhận sự đột biến về lợi nhuận thời gian qua. Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, VPBank đạt 5.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt qua nhiều tên tuổi trong ngành để đứng thứ 3 về lợi nhuận. Trong đó, lợi nhuận của riêng VPBank mẹ là 4.400 tỷ đồng. Được biết, VPBank đã thu về 250 triệu USD từ thương vụ IPO diễn ra trong tháng 5/2017.
Theo lãnh đạo ngân hàng này, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng được nâng cao, VPBank sẽ duy trì vị thế là thành viên có các chỉ số sinh lời cao nhất so với tất cả các ngân hàng còn lại.
2018: Tín dụng khó tăng mạnh
Mặc dù chưa hết năm, nhưng với các kết quả đạt được trong 11 tháng qua, có thể nói, 2017 là năm đạt lợi nhuận tốt nhất của các ngân hàng trong 5 năm gần đây. Đó là chưa kể tháng 12 thường là thời điểm sẽ mang lại thu nhập không nhỏ cho các ngân hàng, khi cầu tín dụng luôn tăng mạnh trong dịp cận Tết này.
Cùng với đó, nhiều khoản dự phòng cũng sẽ được hoàn nhập sau khi các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017, góp phần tác động tích cực lên lợi nhuận cả năm của các nhà băng.
Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, nhu cầu tín dụng thường tăng cao những tháng giáp Tết Nguyên đán và đây cũng là giai đoạn đẩy mạnh kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải đảm bảo hoạt động tín dụng trong room cho phép của cơ quan quản lý, trong khi vẫn ưu tiên cam kết giải ngân cho khách hàng đã ký hợp đồng tín dụng.
Chia sẻ góc nhìn về tăng trưởng tín dụng trong năm tới, ông Tùng cho rằng, sẽ tiếp tục cải thiện, nhưng khó tăng mạnh, nhất là trong những tháng đầu năm.
“Bước sang năm 2018, các ngân hàng sẽ nhận được room tín dụng mới, nên dư địa cho vay có thể được nới rộng. Theo đó, tín dụng 2018 sẽ cải thiện, nhưng khó có sự đột biến trong những tháng đầu năm. Nhiều khả năng mức tăng cả năm 2018 cũng tương tự như năm 2017”, ông Tùng nhìn nhận.