Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận 11 tháng tăng

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song hoạt động của ngành ngân hàng năm 2020 vẫn được đánh giá có nhiều gam sáng. Tuy nhiên, áp lực dự phòng rủi ro vẫn gia tăng.
Nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận 11 tháng tăng

Sau 11 tháng của năm 2020, tổng tài sản MSB tăng 13% lên hơn 166.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và vượt 60% kế hoạch năm.

Hết tháng 11/2020, ABBank đạt đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 101% kế hoạch lợi nhuận 2020. RoE đạt 18,28%; RoA đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn CAR đạt 10,64%.

Theo số liệu đến hết ngày 30/11, tổng tài sản ABBank đạt 92.337 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng đạt 72.013 tỷ đồng; cho vay khách hàng đạt 65.048 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay khách hàng cá nhân đạt 29.141 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019 và tăng 16% so với đầu năm; cho vay khách hàng SMEs đạt 14.833 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng và tăng 19% so với đầu năm 2020.

ACB cho hay, tính đến ngày 30/11, ACB có tổng tài sản gần 428 ngàn tỷ đồng, tăng 11,7%; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 8.723 tỷ đồng, vượt 14% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận năm. Huy động đạt 343 ngàn tỷ đồng, có mức tăng trưởng là 11,5%.

Tín dụng đạt 305 ngàn tỷ đồng, mức tăng trưởng đạt 13,7%. Nợ xấu kiểm soát dưới 1%.Ngoài ra, Sacombank, VIB, LienvietpostBank cũng cho hay đã sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020.

Cụ thể, Sacombank đạt 2.573 tỷ đồng sau 10 tháng; VIB đạt 4.560 tỷ đồng trước thuế sau 10 tháng-chính thức hoàn thành 100% chỉ tiêu đưa ra, vượt mức lợi nhuận đạt được của cả năm 2019 là 4.080 tỷ đồng. Thậm chí, sau 9 tháng đầu năm nay LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.741 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm...

Lũy kế đến cuối tháng 11/2020, huy động thị trường 1 của OCB đạt 101.321 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm trước. Dư nợ trên thị trường 1 đạt 86.543 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2019.

Với khả năng kiểm soát tốt chi phí hoạt động, OCB đã đưa tỉ lệ CIR từ 36,96% trong năm 2019 về 28,45% trong 11 tháng, và là một trong nhóm ngân hàng có tỷ lệ CIR tốt trên toàn hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Nhờ kết quả tăng trưởng tích cực từ huy động, cho vay và kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả, ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế luỹ kế tới cuối tháng 11 đạt 3.830 tỉ đồng, tăng 30% so với cùng kì năm trước và cao hơn 18% so với lợi nhuận cả năm 2019.

Đáng chú ý, trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng, thu thuần từ dịch vụ tăng tới 42% so với cùng kì năm trước cho thấy nỗ lực cải thiện mạnh mẽ trong việc tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có của ngân hàng.

Tính đến thời điểm 30/11/2020, tổng tài sản của OCB đã tăng 13% so với cuối năm 2019 đạt 133.923 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng mạnh tới 47% đạt 16.969 tỉ đồng.

TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế cho rằng, lợi nhuận các ngân hàng tăng, nhưng dự phòng rủi ro không giảm nhiều. Viện Nghiên cứu BIDV ước tính, nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 có thể ở mức 3% và cuối năm 2021 là 4%.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quý 3 và quý 4/2020 sẽ là thời điểm ngành ngân hàng “ngấm đòn” tác động của Covid-19, thách thức, khó khăn lớn nhất sẽ là vấn đề nợ xấu nhưng việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn do tác động của đại dịch Covid-19.

Hơn nữa, nợ xấu tăng sẽ khiến các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thì từ đó lại ảnh hưởng đến lợi nhuận. Tuy vậy, TS. Lực vẫn nhận định, lợi nhuận ngân hàng năm nay và 2021 sẽ tích cực.

Tin bài liên quan