Áp chuẩn Basel II, việc không thể đừng
Theo lộ trình, kể từ đầu năm 2020, tất cả ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41/2016.
Từ năm 2021, các ngân hàng áp dụng quy trình đánh giá nội bộ mức độ đủ vốn (ICAAP) theo chuẩn Basel II. Từ năm 2023, một số ngân hàng áp dụng chuẩn mực an toàn vốn theo phương pháp nâng cao cơ bản (FIRB) của Basel II.
Ðồng thời, CAR cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% so với của Basel I, nhưng việc tính toán lại phức tạp hơn.
Theo NHNN, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%).
Trong đó, CAR của khối ngân hàng có vốn nhà nước là 9,4% và của khối ngân hàng tư nhân là 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ giảm dựa trên công thức mới.
Ông Peter Verhoeven, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn tài chính 6 Sigma cho biết, hiện nay, ngân hàng ở các quốc gia phát triển đã sẵn sàng cho IFRS 9 (chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế được công bố bởi Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế).
IFRS 9 giải quyết các kế toán cho công cụ tài chính, hàm chứa 3 chủ đề chính là phân loại, đo lường các công cụ tài chính; suy giảm tài sản tài chính và kế toán phòng ngừa rủi ro, qua đó giúp các ngân hàng áp dụng được xếp hạng tốt hơn, tăng giá trị cho cổ đông...
“Hiện nay, Basel II đã được triển khai rộng rãi trên toàn cầu, Basel III được áp dụng từ ngày 1/1/2015 với yêu cầu cao hơn về tỷ lệ CAR ở mức 10,5%..., còn Basel IV đang được xây dựng, dự kiến sẽ là bản hợp nhất của Basel III sửa đổi và IFRS 9”, ông Peter Verhoeven thông tin.
Basel II không chỉ giúp hạn chế rủi ro, mà còn là công cụ giúp các ngân hàng kiểm soát và xử lý được câu hỏi có bao nhiêu vốn trước khi cấp một khoản vay cho khách hàng, hay nói cách khác, hệ số CAR của ngân hàng phải được nâng lên theo chuẩn Basel II mới có thể mở rộng được tín dụng.
Chính vì thế, không một ngân hàng nào đi từ Basel I lên Basel II mà không phải tăng vốn tự có, bởi cách thức tính toán rủi ro khác nhau nên đòi hỏi vốn tự có cũng phải tăng theo.
Ngoài ra, Basel II còn giúp kiểm soát rủi ro vận hành, nên các nhà băng khó có thể đáp ứng được quy chuẩn này nếu vốn mỏng.
Những vướng mắc còn tồn tại
Thực thế cho thấy, áp chuẩn Basel II sẽ giúp các ngân hàng cải thiện quản rủi ro, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và sức khỏe tài chính.
Ðó là chưa kể, với những nhà băng được NHNN công nhận hoàn tất Basel II thì cơ chế về hạn mức tín dụng cũng “thoáng” hơn so với những ngân hàng chưa áp dụng. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể áp dụng chuẩn Basel II.
Chia sẻ với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, việc áp dụng Basel II tại Việt Nam gặp không ít thách thức, từ sự phức tạp của các tiêu chuẩn, sự phù hợp với khả năng của ngân hàng, đến chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, hệ thống công nghệ thông tin...
“Ðó là chưa kể việc triển khai Basel II còn đòi hỏi nguồn tài chính lớn, khoảng 10-15 triệu USD tùy thuộc tính chất, quy mô của ngân hàng. Ðây là áp lực lớn với ngân hàng, nhất là các ngân hàng quy mô nhỏ”, một lãnh đạo ngân hàng nói.
Ðáng chú ý, Thông tư 41/2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, nhưng tính đến nay, vẫn còn một số ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt và ngân hàng yếu kém đang gặp khó khăn về tài chính, nên khó có khả năng thực hiện Thông tư 41/2016 đúng thời hạn.
Ðể tháo gỡ vấn đề này, NHNN đang tiến hành sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, dự kiến sẽ được ban hành trong cuối năm nay.
Theo đó, NHNN sẽ đưa vào một điều khoản cho phép các ngân hàng yếu, ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt có thêm thời gian để thực hiện Thông tư 41/2016.
Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian này không có nghĩa là NHNN hoãn hay giãn thực hiện Thông tư 41/2016, mà là để các ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị.
Ðể đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41/2016, các ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để tăng vốn cấp 1 và cấp 2 như không chia cổ tức để tăng vốn tự có, phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế…
Thế nhưng trong số các ngân hàng có vốn nhà nước triển khai áp dụng Basel II, mới có Vietcombank được hưởng “trái ngọt” về tín dụng, BIDV thì đang tiệm cận Bael II sau khi hoàn tất bán cổ phần cho đối tác của Hàn Quốc là KEB Hana Bank, còn với VietinBank là vấn đề nan giải.
Hiện CAR của VietinBank đã ở dưới 10%, áp lực tăng vốn không ngừng gia tăng trong bối cảnh đã hết “room” để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngân hàng này đang trông chờ được giữ lại cổ tức để tăng vốn điều lệ, nhưng điều này còn phải chờ quyết định từ cổ đông Nhà nước, cho dù đã nhiều lần kiến nghị.
Ông Lê Ðức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, việc tăng vốn đối với Ngân hàng là vô cùng cấp bách. Hiện hệ số CAR của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu theo quy định nên khó tăng trưởng tín dụng trong mùa cao điểm cuối năm.
Basel II được đưa ra từ tháng 6/2004 để giải quyết những hạn chế của Basel I, với nhiều thay đổi quan trọng như hệ số rủi ro phải phù hợp với xếp hạng rủi ro, mà không cố định như trước; tăng các loại hình bảo đảm như tiền mặt, bên bảo đảm, các thay đổi trong hạch toán dự phòng…
Basel II có 3 trụ cột chính, đó là phân bổ vốn kinh tế của các ngân hàng, cơ quan quản lý có quyền định đoạt trong các vấn đề phức tạp và tiêu chuẩn công bố thị trường (rủi ro và phân bổ vốn).