VPBank hiện chưa có ý định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận 2018

VPBank hiện chưa có ý định điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận 2018

Nhiều ngân hàng chưa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2018

(ĐTCK) Hiện tại, ngành ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018. Thống kê sơ bộ của Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, nhiều ngân hàng chưa điều chỉnh kế hoạch năm 2018 như thị trường đồn đoán, dù kết quả nửa đầu năm tăng trưởng cao hay thấp.

Không thay đổi kế hoạch dù tăng trưởng thấp

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, lợi nhuận hợp nhất nửa đầu năm 2018 đạt 4.375 tỷ đồng, mới hoàn thành 41% kế hoạch cả năm. Trong đó, FE Credit đóng góp 36% lợi nhuận hợp nhất, giảm so với mức hơn 50% của cùng kỳ các năm gần đây.

Chia sẻ nguyên do của sự sụt giảm, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit cho biết, tăng trưởng tín dụng của VPBank trong nửa đầu năm mới đạt khoảng 4% và chiếm 22% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng hợp nhất. Về phía FE Credit, vị này cho hay, tăng trưởng chậm lại là do Công ty điều chỉnh một số đối tượng cho vay và hiệu quả thu hồi nợ giảm sút.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank vẫn tin Ngân hàng sẽ đạt mức tăng trưởng khả quan khi hết năm. Bởi theo ông Vinh, vấn đề là đặt trọng tâm tăng trưởng ở thị phần hay khả năng sinh lời.

Ông Vinh phân tích, nếu như ở giai đoạn đầu phát triển, thị phần sẽ là yếu tố được ưu tiên nhằm mở rộng thị trường, thì khi thị phần đã ổn định, chất lượng lợi nhuận được đặt lên trên và định hướng này đã được VPBank đặt ra từ năm trước. VPBank không "dàn hàng ngang" để tăng trưởng, mà tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh...

“Tốc độ tăng trưởng tuy chậm, nhưng quan trọng là trong 6 tháng qua, chất lượng tăng trưởng của VPBank đã được nâng lên, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Hiện tại, Ban lãnh đạo VPBank vẫn giữ kế hoạch lợi nhuận năm 2018 đề ra ban đầu”, ông Vinh nhấn mạnh.

Tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), kết quả lợi nhuận 6 tháng đầu năm được thông báo đạt 666,3 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch đặt ra. LienVietPostBank đưa ra 4 nguyên nhân để lý giải cho sự sụt giảm này: Thứ nhất, Ngân hàng đang dịch chuyển cơ cấu nguồn vốn tăng tỷ lệ huy động bán lẻ, huy động từ cư dân nhằm ổn định và tăng tính bền vững của nguồn vốn, nên chi phí giá vốn đầu vào cao hơn;

Thứ hai, mạng lưới giao dịch của Ngân hàng đã tăng mạnh trong nửa đầu năm nhằm đẩy mạnh mảng bán lẻ, điều này cũng khiến chi phí hoạt động gia tăng;

Thứ ba, chi phí nhân sự tăng lên so với cùng kỳ năm trước do từ cuối năm 2017 đến nay, Ngân hàng đã tuyển dụng thêm hơn 1.000 nhân sự mới;  thứ tư, Ngân hàng thực hiện trích lập quỹ dự phòng cổ phiếu chứng khoán đầu tư do ảnh hưởng từ biến động chung của thị trường chứng khoán.

Tuy kết quả lợi nhuận thấp hơn kế hoạch, nhưng trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng chưa có ý tưởng điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2018.

Tăng trưởng vượt bậc, vẫn giữ mục tiêu ban đầu

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 6/2018 cho thấy, hầu hết tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý II/2018 và kỳ vọng kết quả năm nay tăng cao hơn so với năm trước.

Cụ thể, 88% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng trưởng dương so với năm 2017. Lợi nhuận toàn hệ thống kỳ vọng tăng trưởng bình quân 19,05% trong năm 2018, cao hơn mức tăng 18,2% ghi nhận tại cuộc điều tra quý đầu năm.

Tự nhận định về tình hình kinh doanh trong quý II/2018, 67,4% TCTD cho rằng đã có cải thiện so với quý trước đó. 76,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện trong quý III/2018 và cả năm là 82,6%. Đặc biệt, có 46% TCTD trong cuộc khảo sát đã tuyển thêm lao động trong quý II/2018 và dự kiến, số TCTD tiếp tục tuyển thêm người trong quý III và cả năm lần lượt là 62% và 70%.

Nhiều ngân hàng chưa điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2018 ảnh 1

Đánh giá về môi trường kinh doanh, các yếu tố nội tại quý II/2018 đã tốt hơn. Trong đó, các ngân hàng tự nhận định “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD” cải thiện tích cực nhất, trong khi các nhân tố môi trường kinh doanh bên ngoài cải thiện chưa rõ nét. Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm, dịch vụ của TCTD, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng được đánh giá cải thiện tốt.

Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính - ngân hàng tiếp tục diễn biến tích cực trong quý II/2018. 51,1% TCTD cho rằng, nhu cầu vay vốn đang cao. Tỷ lệ các TCTD lựa chọn mức “cao” với nhu cầu tiền gửi, nhu cầu thanh toán và thẻ lần lượt là 36,9% và 35,4%. Hầu hết TCTD kỳ vọng nhu cầu này sẽ tiếp tục gia tăng trong quý III và cả năm 2018.

Trên thực tế, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2017; doanh thu ròng đạt 2.701 tỷ đồng, tăng 56%, trong khi chi phí hoạt động tăng thấp 16%, đạt 1.316 tỷ đồng. Mặt khác, nhờ chất lượng tín dụng liên tục được cải thiện, chi phí dự phòng của VIB cũng duy trì ở mức thấp là 234 tỷ đồng. VIB dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm 2018 có thể vượt 2.500 tỷ đồng, cao hơn 25% so với kế hoạch đặt ra hồi đầu năm.

Mặc dù lợi nhuận nửa đầu năm tăng mạnh, nhưng chia sẻ với phóng viên, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết: “Ban lãnh đạo Ngân hàng chưa có dự định trình Đại hội đồng cổ đông thay đổi kế hoạch đã thông qua đầu năm”.

Đến hết quý II/2018, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đạt khoảng 292 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 97,3% kế hoạch cả năm (320 tỷ đồng). Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trước mắt sẽ không họp Đại hội đồng cổ đông để lấy ý kiến điều chỉnh kết quả kinh doanh năm nay.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đạt 1.024 tỷ đồng, tăng 212% so với cùng kỳ năm 2017, hoàn thành 112% kế hoạch nửa đầu năm và gần 50% kế hoạch cả năm (2.200 tỷ đồng), trong đó phần lợi nhuận của riêng quý II là 512 tỷ đồng. Thông thường, 6 tháng cuối năm mới là thời gian trọng điểm kinh doanh của TPBank, song một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng cho biết, hiện chưa có chủ trương điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018. 

Tin bài liên quan