Nhiều ngân hàng chốt quyền chia cổ tức ở mức cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các ngân hàng tiếp tục thông báo ngày chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. 
Nhiều ngân hàng chốt quyền chia cổ tức ở mức cao

Cụ thể, OCB vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhằm thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu là 30/8. Dự kiến OCB sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 20%. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ lên gần 24.658 tỷ đồng.

Trong đó, đối tác nước ngoài là Aozora Bank, với việc nắm giữ 15% vốn tại OCB, cổ đông chiến lược này sẽ nhận được hơn 61,6 triệu cổ phiếu. Các cổ đông khác nắm giữ trên 1% vốn tại OCB dự kiến nhận về 269,6 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, OCB cũng dự kiến phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu ESOP mới sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm được giải tỏa 25%.

Đồng thời, OCB cũng lên kế hoạch chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ với tổng giá trị dự kiến chào bán tối đa hơn 8,8 tỷ đồng. Mức giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần của ngân hàng tại thời điểm cuối quý gần nhất với thời điểm phát hành. Thông tin tại ĐHĐCĐ cho biết OCB phải chào bán riêng lẻ để đảm bảo Aozora Bank duy trì tỷ lệ sở hữu 15% sau phát hành ESOP.

Sau khi hoàn tất các phương án nói trên, vốn điều lệ của OCB sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng. Hiện NHNN mới có văn bản chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, nửa đầu năm 2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.113 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Việc gia tăng chi phí dự phòng và chi phí hoạt động đã khiến lợi nhuận của OCB giảm so với cùng kỳ. Cuối quý II/2024, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 238.884 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 6,3%. Số dư nợ xấu của ngân hàng ở mức 4.767 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 3,12%, tăng 0,47 điểm % so với đầu năm.

Mới đây, MSB thông báo ngày chốt quyền hưởng cổ tức bằng cổ phiếu 30%. Cụ thể, MSB theo công bố ngày 29/8 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Theo đó, MSB sẽ tăng vốn theo hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại tính theo báo cáo tài chính kiểm toán tại 31/12/2023 sau khi trích các quỹ theo luật định.

Tỷ lệ phát hành là 30% trên tổng số cổ phần đang lưu hành (người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu), tương đương phát hành thêm 600 triệu cổ phiếu. Với tỷ lệ này, MSB trở thành ngân hàng có mức trả cổ tức cao nhất trong năm nay. Sau khi tăng vốn, tổng số lượng cổ phiếu lưu hành sẽ là 2,6 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ mới đạt 26.000 tỷ đồng.

Trước đó, NHNN và UBCKNN đã lần lượt ban hành các văn bản chấp thuận đề nghị tăng vốn này. Việc tăng vốn điều lệ giúp MSB nâng cao năng lực tài chính, gia tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh cũng như quản trị rủi ro. Đồng thời, đây cũng là cơ sở vững chắc thúc đẩy nhanh chóng và hiệu quả tiến trình số hóa, xanh hóa toàn diện ngân hàng.

MSB đã công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với sự tăng trưởng ổn định trên hầu hết các chỉ tiêu quan trọng. Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, MSB tăng trưởng tín dụng tới 11,5%, thuộc nhóm đầu ngành. Huy động từ khách hàng và giấy tờ có giá của ngân hàng hợp nhất tăng lần lượt 15% và 64% so với cuối năm 2023.

Tổng tài sản của MSB tại 30/6/2024 đạt hơn 295.500 tỷ đồng, tăng 10,69% so với cuối năm 2023. Ngoài tăng trưởng về cho vay khách hàng, mức tăng của tổng tài sản được hỗ trợ mạnh từ mảng chứng khoán đầu tư với tốc độ tăng trên 40% so với 31/12/2023, ghi nhận trên 53.100 tỷ đồng, trong đó khoảng 66% đến từ đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Qua nửa chặng đường năm 2024, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 3.690 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 54% kế hoạch lợi nhuận năm. Biên lãi thuần (NIM) của MSB tại thời điểm kết thúc bán niên đạt 3,7% - giữ mức hiệu quả trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Trước đó không lâu vào đầu tháng 7/2024, HDBank chốt quyền chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 30% (gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu). Với tổng tỷ lệ cổ tức lên đến 30%, HDBank là ngân hàng chia cổ tức cao nhất năm 2024 (không kể Techcombank chia cổ tức lớn sau chuỗi nhiều năm không chia cổ tức).

HDBank là ngân hàng luôn chia cổ tức cho cổ đông cao dẫn đầu thị trường trong nhiều năm liền. Tại ĐHCĐ thường niên vừa qua, HDBank này đã trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 lên đến 30%, gồm tối đa 15% tiền mặt.

Theo tài liệu được công bố, đối với cổ tức bằng tiền mặt, ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức là 15/7/2024, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/7/2024. Ngày thanh toán cổ tức bằng tiền mặt dự kiến là 26/7/2024. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu.

Đồng thời, HDBank cũng triển khai chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được ĐHCĐ thông qua với tỷ lệ 20%. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng được hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ phân phối là 100:20 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới).

Thời điểm chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến trong quý III/2024.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2024, tại 30/6/2024, HDBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 13,0% so với đầu năm, tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng đến những ngành là động lực tăng trưởng kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp SME, tài trợ chuỗi, tín dụng xanh, du lịch… Đồng thời, với tăng trưởng tín dụng bền vững cao, HDBank đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, nợ xấu ở mức thấp nhất ngành. Trong đó, hệ số an toàn vốn CAR theo chuẩn Basel II đạt tới 13,9%. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất, bao gồm tài chính tiêu dùng theo quy định tại Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước chỉ có 1,59%.

Sau nửa chặng đường của năm 2024, HDBank ghi nhận tổng thu nhập 16.045 tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 48,9% so với cùng kỳ do tăng cường hiệu quả hoạt động và áp dụng các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số của HDBank. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) 26,1%, ROA đạt 2,1%, đều cao hơn năm trước.

Tin bài liên quan