Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm sẽ kích cầu tín dụng

Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm sẽ kích cầu tín dụng

Nhiều ngân hàng chịu áp lực hoàn thành kế hoạch lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng tăng chậm dù lãi suất giảm, biên lãi ròng thu hẹp, thu nhập ngoài lãi khó tăng, nợ xấu có dấu hiệu tiếp tục tăng..., các yếu tố này đang tạo áp lực lên mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của nhiều ngân hàng.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận ở mức thấp

Trong 6 tháng đầu năm 2023, thu nhập hoạt động trung bình của các ngân hàng tăng 3,8%; biên lãi ròng là 3,41%, giảm 0,14%; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trung bình là 13,6%, giảm 1,8%; lợi nhuận trước thuế giảm 3,1% so cùng kỳ năm ngoái; có khoảng 50% ngân hàng hoàn thành được một nửa chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2023; thậm chí, một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Theo báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng vừa công bố, bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán VDSC, ACBS, TPS dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 chỉ tăng khoảng 10% so với năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 10 - 12%.

Trong quý II2/2023, biên lãi ròng ngành ngân hàng giảm còn 3,41%, do chi phí huy động vẫn cao và áp lực từ nợ xấu hình thành mới tiếp tục đè nặng lên thu nhập lãi thuần.

Chi phí huy động bắt đầu giảm trong quý III/2023, do phần lớn cấu trúc huy động của hầu hết các ngân hàng là tiền gửi kỳ hạn ngắn từ 3 - 6 tháng nên phản ánh rõ ràng hơn tác động của việc hạ lãi suất tiền gửi. Hiệu ứng này có thể tiếp diễn trong quý IV/2023, khi chi phí huy động dự kiến sẽ giảm nhẹ, hoặc đi ngang.

Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường vẫn có những khó khăn, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thấp, chuyên gia phân tích của MBS dự báo, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sẽ kích cầu tín dụng, nhưng cuộc cạnh tranh về thị phần tín dụng trở nên gay gắt hơn.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng chậm lại trong nửa đầu năm nay và trong tháng 7/2023, dư nợ tín dụng giảm. Tính đến cuối tháng 7/2023, tín dụng toàn ngành là 4,3%, thấp hơn mức 4,7% thời điểm cuối tháng 6. Tháng 8 vừa qua, tín dụng có dấu hiệu tích cực hơn khi đạt mức tăng trưởng 5,56% tính đến ngày 30/8, nhưng vẫn cách xa mục tiêu cả năm là 14%.

Về biên lãi ròng, các đơn vị phân tích nhận định, quý III sẽ duy trì tương đối ổn định so với quý II và quý cuối năm 2023 sẽ phục hồi đáng kể, nhưng kết quả cả năm nhiều khả năng thấp hơn so với năm 2022.

Đáng lưu ý, nợ xấu ngân hàng có xu hướng tăng, từ mức 1,6% cuối năm 2022 lên 2,1% vào cuối quý II/2023.

TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên Trường đại học Kinh tế Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận định, chất lượng tài sản ngành ngân hàng suy giảm khi nợ xấu trung bình ngành tăng khá cao so với thời điểm cuối năm 2022, trong khi bộ đệm dự phòng mỏng dần, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Chính áp lực nợ xấu tăng đã kéo bộ đệm dự phòng của nhiều ngân hàng mỏng đi. Để đảm bảo an toàn hoạt động, các ngân hàng buộc phải gia tăng dự phòng rủi ro và điều này sẽ tác động trực tiếp lên lợi nhuận năm 2023.

Ngân hàng chưa điều chỉnh kế hoạch

Các ngân hàng phải cân bằng hai nhiệm vụ chính là tìm cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh và kiểm soát rủi ro, kiểm soát nợ xấu.

Nửa đầu năm 2023 mới đạt được 23% mục tiêu lợi nhuận cả năm, song ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, Ngân hàng còn nhiều hạn mức tăng trưởng tín dụng, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện các các chương trình cho vay, gia tăng thu nhập từ lãi và lợi nhuận trong những tháng cuối năm. Vì thế, ABBank không điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2023, mà toàn hệ thống sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành kế hoạch.

Về nợ xấu, ông Hiếu cho hay, nợ xấu ngành ngân hàng nói chung và ABBank nói riêng có xu hướng tăng trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

“Trước tình hình này, là một tổ chức tài chính, chúng tôi buộc phải thận trọng với các quyết định cho vay. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi thắt chặt nguồn tín dụng. Thay vào đó, ngân hàng chúng tôi đã, đang và sẽ tích cực triển khai các biện pháp quản lý và hạn chế nợ xấu như tăng cường công tác cảnh báo nợ sớm, nhắc nợ sớm, nhắc nợ đến hạn, nhắc nợ quá hạn, xử lý nợ xấu, cơ cấu nợ cho khách hàng, thực hiện bán nợ xấu cho VAMC và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro”, ông Hiếu nói.

Lãnh đạo một ngân hàng có vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng chia sẻ, kế hoạch lợi nhuận đề ra năm 2023 là hơn 20.000 tỷ đồng, nửa đầu năm thực hiện được gần 50% chỉ tiêu và đến thời điểm này, ngân hàng chưa có ý định điều chỉnh kế hoạch.

“Tình hình kinh tế khó khăn, tín dụng chậm, nguồn thu ngoài lãi giảm, nhất là khi kinh doanh bảo hiểm bị ảnh hưởng, song chúng tôi vẫn cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh đã được đại hội cổ đông thông qua”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.

Theo Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng, trong điều kiện khó khăn như hiện tại, Ngân hàng phải cân bằng hai nhiệm vụ chính là tìm cơ hội thúc đẩy hoạt động kinh doanh và kiểm soát rủi ro, kiểm soát nợ xấu. Mặc dù môi trường kinh doanh khó khăn, cơ hội hiếm, nhưng các ngân hàng vẫn phải tận dụng, nắm bắt để phát triển. Chẳng hạn, giai đoạn vừa qua, chỉ số bán lẻ tương đối ổn định, nên OCB khai thác khá tốt phân khúc hộ gia đình. Nhờ vậy, các sản phẩm cho vay hộ gia đình ghi nhận tăng trưởng. Thời gian tới, OCB sẽ tiếp tục theo sát diễn biến nền kinh tế, nắm bắt cơ hội để khai thác khách hàng tiềm năng. Các dịch vụ ngân hàng trên kênh số ngày càng phát triển góp phần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ cũng như mua bán hàng hoá trên kênh online, là cơ hội cho các ngân hàng phát triển, mở rộng tệp khách hàng.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Đầu tư kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital nhận định, nợ xấu ngành ngân hàng có thể tiếp tục tăng trong vài quý tiếp theo, dù các ngân hàng thận trọng khi cho vay.

Ông Tuấn cho hay, nguồn trích lập dự trù nợ xấu của 14 ngân hàng trong danh sách của Dragon Capital) hiện chiếm khoảng 2,1% tổng dư nợ, cao nhất trong lịch sử.

Theo ông Tuấn, các ngân hàng giờ đây báo cáo về nợ xấu chân thực hơn trước. Hiện có 7 ngân hàng ở Việt Nam đang nghiên cứu và có khả năng báo cáo theo chuẩn mực quốc tế IFRS và hơn 20 ngân hàng đạt chuẩn Basel 2, rất khác với năm 2011 - khi các ngân hàng báo cáo nợ xấu một đằng, nhưng các đơn vị độc lập tính ra một nẻo. Vì vậy, nợ xấu sẽ tăng và bào mòn lợi nhuận các ngân hàng, nhưng vẫn có khả năng tăng trưởng so với năm 2022.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng năm nay sẽ tăng chậm, chứ không giảm so với năm ngoái.

Tin bài liên quan