Nhiều NĐT đang "đùa" với túi tiền của mình

Nhiều NĐT đang "đùa" với túi tiền của mình

Nhiều NĐT "điếc không sợ súng"

(ĐTCK-online) Ngay sau bài học DVD, vẫn có nhiều NĐT "điếc không sợ súng" khi bỏ tiền vào những cố phiếu bị tin xấu “đánh tơi bời”.

1.702 là số hành khách mắc kẹt trước khi con tàu DVD chìm đắm. Trắng tay là điều các cổ đông của CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) nghĩ đến trong lúc này, bởi DVD đã bị hủy niêm yết và đang làm thủ tục phá sản.

"Mặc dù chúng tôi liên tục thông tin trên website UBCK về tình hình của DVD, nhưng NĐT vẫn tiếp tục lao vào mua cổ phiếu này", bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch UBCK nói trong cuộc gặp với báo chí tuần qua. Theo bà Liên, mua bán cổ phiếu là quyết định của bản thân mỗi NĐT, nên UBCK chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của họ bằng cách thông tin mang tính cảnh báo ra thị trường một cách nhanh nhất.

Có thể nhận thấy tình trạng NĐT "điếc không sợ súng" vẫn diễn ra rất phổ biến ngay sau bài học DVD. Ngày 16/9, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) ký quyết định cảnh cáo trên toàn thị trường đối với CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC) do vi phạm các quy định về công bố thông tin. Điều đáng nói, ngay trong ngày hôm đó, HQC trở thành mã đứng đầu nhóm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh nhiều nhất trên HOSE với 2,064 triệu đơn vị được trao tay.

Bất chấp nhiều tin xấu dồn dập, nhiều NĐT vẫn liều lĩnh mua vào cổ phiếu DCC của CTCP Xây dựng công nghiệp - Descon. Ngày 16/9, cổ phiếu này đã bị tạm ngừng giao dịch do vi phạm quy định về công bố thông tin. Một trường hợp khác bị cảnh báo toàn thị trường là KMR, nhưng cổ phiếu này vẫn được khớp vài trăm nghìn đơn vị trong phiên giao dịch cuối tuần qua.

NĐT có thể có những lý do riêng khi quyết định bỏ tiền vào những cổ phiếu bị tin xấu "đánh tơi bời" như chậm công bố thông tin, rơi vào diện cảnh báo toàn thị trường, lỗ sau soát xét, cảnh báo về khả năng hoạt động liên tục... Điều dễ nhận thấy nhất là do giá cổ phiếu đã âm thầm được chiết khấu trước khi thông tin xấu của DN được công bố chính thức, nên nhiều người thấy giá đã giảm mạnh đã lao vào mua. Bên cạnh đó là việc tin tưởng (thiếu căn cứ) các "tay to" sẽ lợi dụng tin xấu đè giá để gom hàng sau đó "đánh" lên. Nhiều NĐT "ham rẻ" đã mạo hiểm mua vào với kỳ vọng gặt hái vài chục phần trăm lợi nhuận trong thời gian ngắn.

Gần đây, những trường hợp DN bị hủy niêm yết, tạm ngừng giao dịch cổ phiếu chủ yếu liên quan đến việc không công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên, một số trường hợp cá biệt là không nộp báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2010. Phía sau việc chậm nộp báo cáo tài chính tồn tại không ít vấn đề, tiềm ẩn những rủi ro khó lường, nhưng nhiều NĐT lại cho rằng đó là… cơ hội. Theo dõi giải trình của các DN trên HOSE, muôn hình vạn trạng lý do được DN niêm yết đưa ra. Nhiều lý do cho thấy DN chưa thực sự nỗ lực thực hiện báo cáo tài chính đúng hạn để công bố ra thị trường như: thay đổi nhân viên kế toán, chuyển trụ sở làm việc, diễn biến nền kinh tế không thuận lợi. Vấn đề đặt ra là những lý do không thực sự thuyết phục vẫn được các Sở GDCK tiếp nhận và công bố mà không có khuyến cáo nào đến DN về cách thông tin thiếu trách nhiệm này.

"Mua cổ phiếu là mua kỳ vọng", "rủi ro nhiều thì lợi nhuận sẽ lớn", "mua khi ra tin xấu, bán khi ra tin tốt"… là những điểm tựa tâm lý cho NĐT khi quyết định mua cổ phiếu có tin xấu. Tuy nhiên, khi quá kỳ vọng vào những DN đã dần lộ diện thực trạng hoạt động qua các thông tin xấu cũng như quản trị không minh bạch, NĐT đã thực sự "đùa" với túi tiền của chính mình.