Báo cáo việc làm khả quan được công bố cuối tuần trước tiếp tục ảnh hưởng tới nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới. Với báo cáo việc làm khả quan, khả năng về việc Fed tăng lãi suất trong tháng 9 đang rất cao và nó khiến giới đầu tư có lý do để lo lắng, bán ra, đẩy phố Wall tiếp tục giảm điểm trong phiên đầu tuần.
Ngoài ra, cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ tiếp tục diễn ra hôm thứ Hai cũng không có bất kỳ dấu hiệu tích cực nào cũng khiến giới đầu tư lo lắng về khả năng vỡ nợ của Hy Lạp và nguy cơ nước này sẽ rời khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones giảm 82,91 điểm (-0,46%), xuống 17.766,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,55 điểm (-0,65%), xuống 2.079,28 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 46,83 điểm (-0,92%), xuống 5.021,63 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, với nỗi lo về tình hình Hy Lạp và ảnh hưởng thông tin từ thị trường lao động Mỹ cũng khiến chứng khoán khu vực giảm điểm trong phiên đầu tuần, trong đó chứng khoán Đức và Pháp giảm mạnh.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 14,56 điểm (-0,21%), xuống 6.790,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 132,23 điểm (-1,18%), xuống 11.064,92 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 63,08 điểm (-1,28%), xuống 4.857,66 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, bất chấp thông tin kinh tế tích cực khi tốc độ tăng trưởng GDP quý I được điều chỉnh tăng so với con số công bố sơ bộ hôm 20/5, nhưng chứng khoán Nhật Bản vẫn có phiên giảm điểm đầu tuần, dù mức giảm không đáng kể. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng và chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục chuỗi tăng điểm mạnh của mình.
Liên quan đến thông tin từ Trung Quốc, dữ liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc giảm 2,5%, ít hơn dự kiến trong tháng 5, nhưng nhập khẩu giảm với tốc độ lớn tới 17,6% cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt thực sự với nguy cơ tăng trưởng chậm, thậm chí là suy thoái. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến giới đầu tư kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tung ra gói kích thích kinh tế và do đó, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 3 điểm (-0,02%), xuống 20.457,19 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 56,12 điểm (+0,21%), lên 27.316,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 108,78 điểm (+2,17%), lên 5.131,88 điểm.
Dù nhận được nhiều thông tin hỗ trợ từ kinh tế Trung Quốc, tình hình Hy Lạp, giúp vai trò trú ẩn của vàng tăng lên, cũng như đồng USD giảm mạnh trở lại trong phiên đầu tuần, nhưng giá kim loại quý này lại rất chật vật để tìm đường đi lên, do giới đầu tư vẫn lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 8/6, giá vàng giao ngay tăng 1,4 USD (+0,12%), lên 1.173,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 2,4 USD/ounce (+0,20%), lên 1.173,2 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,8 USD/ounce (+0,15%), lên 1.173,6 USD/ounce.
Thông tin kinh tế yếu kém từ Trung Quốc, cùng với quyết định của OPEC khiến giới đầu tư lo ngại dầu sẽ dư cung, nên giá dầu giảm trở lại khá mạnh trong phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,99 USD/thùng (-1,70%), xuống 58,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,62 USD (-0,99%), xuống 62,69 USD/thùng.