Nhiều “lỗ hổng” trong giám sát thị trường tài chính

Nhiều “lỗ hổng” trong giám sát thị trường tài chính

(ĐTCK) Các chuyên gia quan ngại về những “lổ hổng” đang tồn tại trong hoạt động giám sát thị trường tài chính, bởi có nhiều rủi ro tiềm ẩn đe dọa tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống.

>> Tăng cường hợp tác giám sát thị trường tài chính  

 

Yếu khâu giám sát rủi ro

“Thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, phức tạp với sự hình thành các tập đoàn tài chính, tiềm ẩn rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, nhưng hệ thống giám sát lại đang tồn tại nhiều lỗ hổng”, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cảnh báo tại Hội thảo “Tăng cường giám sát tài chính quốc gia: giải pháp chính sách và công nghệ”, do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG (Việt Nam) tổ chức ngày 27/8.

Lỗ hổng” đáng quan ngại hơn cả, theo các chuyên gia, phát sinh từ hệ thống giám sát thị trường tài chính hiện tập trung vào giám sát tuân thủ, mà chưa coi trọng thỏa đáng giám sát rủi ro phát sinh trong thực tiễn vận hành của thị trường. Với phương thức giám sát này, cơ quan quản lý mới chủ yếu dừng lại ở kiểm tra tính tuân thủ của các đối tượng trong diện giám sát xem đã thực hiện đúng các cơ chế, chính sách, các tiêu chí mà cơ quan quản lý đã ban hành hay chưa.

Mối nguy của phương thức giám sát trên, theo ông Tuấn là hệ thống cơ chế, chính sách giám sát chưa bao quát hết những rủi ro có thể phát sinh, hoặc tồn tại không ít bất ổn, trong khi các đối tượng trong diện giám sát buộc phải tuân thủ những quy định không ổn đó. Điều này làm tăng rủi ro cho chính các chủ thể tham gia thị trường, cũng như đe dọa tính an toàn hệ thống.

  Nhiều “lỗ hổng” trong giám sát thị trường tài chính ảnh 1

Hệ thống giám sát thị trường tài chính hiện tập trung vào giám sát tuân thủ

 

Hiện tại, công tác giám sát thị trường tài chính được phân nhiệm cho nhiều cơ quan như: Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)… Theo TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc này dẫn đến nhiều chồng chéo trong quá trình giám sát. Đặc biệt, việc giám sát các rủi ro chéo còn yếu do thiếu sự phối hợp, liên thông giữa các cơ quan liên quan. Việt Nam chưa có một cơ quan giám sát vĩ mô đủ thẩm quyền để có thể cảnh báo, ngăn ngừa và xử lý hữu hiệu các loại rủi ro của thị trường tài chính. Vị thế pháp lý thấp của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia là một nguyên nhân gây nên sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giám sát, khiến hiệu quả giám sát đạt thấp. Hệ thống chế tài xử phạt hành chính trên thị trường tài chính thiếu tính răn đe, nên hiệu quả ngăn ngừa các hành vi vi phạm còn nhiều hạn chế. Cả ba lĩnh vực gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm chưa có hệ thống công nghệ thông tin và các tiện ích điện tử đủ để đáp ứng cho việc giám sát và phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động giám sát.

 

Cần một mô hình giám sát hợp nhất

Vì những “lổ hổng” trên mà thị trường tài chính đang tồn tại nhiều rủi ro. Mức độ rủi ro này sẽ bộc lộ rõ nét và đáng quan ngại hơn trước những cú sốc của thị trường tài chính toàn cầu. Do đó, tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có đề xuất đáng chú ý là nên xây dựng mô hình giám sát hợp nhất, thay vì mô hình phân tán như hiện nay. Việc có một “nhạc trưởng” thực sự trong giám sát thị trường tài chính mới có thể dần khắc phục những bất cập hiện tại, đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát.

Theo ông Chung, xây dựng mô hình giám sát hợp nhất sẽ đối mặt với nhiều thách thức về hành lang pháp lý, con người, kỹ thuật, nên cần có lộ trình thực hiện. Cùng với đó, cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tạo điều kiện cho các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính phối hợp thực hiện giám sát và cảnh báo sớm các rủi ro của thị trường.

Trước mắt, cần đảm bảo rằng, kỷ luật thị trường phải được tôn trọng, nhằm giảm thiểu chi phí quản lý không cần thiết của việc giám sát an toàn vĩ mô”, ông Tuấn nói và cho rằng, trong dài hạn, muốn nâng cao hiệu quả giám sát, cần có cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính gồm: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, đề xuất của các chuyên gia sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như trang bị hệ thống công nghệ phục vụ cho nâng cao hiệu quả giám sát thị trường tài chính thời gian tới. Cơ chế giám sát thị trường tài chính sẽ được hoàn thiện theo hướng đưa ra hệ thống chỉ tiêu giám sát cụ thể, khắc phục sự chồng chéo, tăng tính minh bạch trong hoạt động giám sát.