Cuộc khảo sát thăm dò ý kiến của 500 người tại Việt Nam được ESET - tập đoàn tiên phong về phòng vệ chủ động trên thế giới thực hiện, nhằm tìm hiểu thái độ, kiến thức và hành vi của người dùng về an ninh mạng.
Kết quả khảo sát được công bố tại Hội nghị quốc tế về phòng chống mã độc toàn cầu 2015 lần thứ 18, vừa diễn ra tại Đà Nẵng. Báo cáo chỉ ra rằng, người dùng tại Việt Nam có nhận thức thấp về an ninh mạng và chưa có các biện pháp phòng ngừa thích hợp, khiến họ dễ bị các mối nguy cơ trực tuyến đe dọa.
(Ảnh minh họa: Internet)
Khi so sánh với kết quả trong báo cáo của ESET về nhận thức an ninh mạng năm 2015 được thực hiện tại 6 thị trường khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đứng cuối về nhận thức về an ninh mạng, sau Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Thái Lan, Hồng Kông và Indonesia (xếp theo thứ tự từ cao đến thấp).
Mức độ nhận thức về an ninh mạng được đánh giá dựa trên các yếu tố: kiến thức hoặc khả năng hiểu các hoạt động có thể gây nguy cơ cho người dùng, các hành vi nguy hiểm khi lướt web và các biện pháp chủ động trước các mối nguy hiểm này.
“Do sự bùng nổ mạnh mẽ của Internet, Việt Nam đang ngày càng phụ thuộc vào dữ liệu, giao tiếp điện tử và công nghệ thông tin để cải tiến và nâng cao hiệu suất, hệ quả là các nguy cơ về an ninh mạng ngày một gia tăng”, ông Parvinder Wali, Giám đốc Bán hàng và Marketing, Tập đoàn ESET khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói.
Theo khảo sát của ESET, người dùng Internet tại Việt Nam gặp phải những sai lầm cơ bản như: kết nối wifi công cộng không đảm bảo (71% số người được khảo sát), tạo mật mã dễ nhớ (70%), không thay đổi mật mã trong thời gian dài (66%), cài đặt đăng nhập tài khoản tự động (59%), tải các tập tin từ các nguồn không chính thức (49%). Kết quả khảo sát cho thấy, trung bình, hơn 68% những người trong độ tuổi từ 18 - 24 tại Việt Nam có những hành vi trực tuyến gây nguy hiểm (không an toàn).
ESET nhấn mạnh, mặc dù người dùng Internet tại Việt Nam biết một số hành động nào đó có thể khiến họ gặp rủi ro hoặc dễ bị tấn công khi trực tuyến, nhưng họ vẫn không ngừng mắc sai lầm. Khe hở giữa nhận thức và hành động này là một xu hướng đáng lo ngại vì tin tặc thường tấn công những chỗ ít đề phòng nhất. Nếu người dùng không có đủ các biện pháp phòng ngừa thích hợp, họ có thể vô tình trở thành nạn nhận của một cuộc tấn công mạng.
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy, đa số người sử dụng Internet ở Việt Nam có quan niệm sai lầm về các vấn đề an ninh mạng phổ biến. Nhiều người không thể trả lời đúng những câu hỏi như sự nguy hiểm của việc sử dụng wifi công cộng miễn phí (59% cho rằng việc này an toàn) cũng như của việc tạo mã bảo mật với các thông tin cá nhân (70% nghĩ rằng việc này an toàn). Đáng chú ý, 62% số người được hỏi cho rằng, máy tính để bàn dễ bị “tấn công” hơn các thiết bị di động. Con số này càng nhấn mạnh sự thiếu nhận thức về an ninh mạng tại Việt Nam.
Người dùng Internet tại Việt Nam lo ngại nhất về sự an toàn của các thông tin nhạy cảm trên các thiết bị cá nhân của mình và việc bảo vệ các thiết bị này khỏi vi-rút. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% người được hỏi nhận thức được những rủi ro nghiêm trọng do các mối đe dọa chung gây ra như các ứng dụng không có đảm bảo, thư rác và các quảng cáo banner, điều này một lần nữa cho thấy, lỗ hổng kiến thức có thể khiến người dùng dễ dàng bị “tấn công”.
Ông Walia cho biết, người dùng Internet ở Việt Nam gặp phải những rủi ro không đáng có khi online, một phần do sự thiếu hiểu biết và một phần do quan niệm sai lầm rằng, các tài khoản cá nhân và các hoạt động trực tuyến không phải là mục tiêu của tin tặc.
“Chỉ cần áp dụng những bước đơn giản, như thường xuyên thay đổi mật khẩu, cũng làm giảm đáng kể nguy cơ bị hack, khiến người dùng an toàn và tự tin hơn khi lướt web”, vị chuyên gia khuyến nghị.