Nhiều kỳ vọng sẽ hút vốn và du khách từ “Ngày Việt Nam tại Thụy sỹ”

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI Research Bùi Hải Hưng, CEO MindX Nguyễn Thị Thu Hà… xuất hiện trong chương trình để chia sẻ hành trình phát triển của Việt Nam.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao chủ trì buổi họp báo online về sự kiện "Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ" mới đây.

Ông Trần Quốc Khánh, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO thuộc Bộ Ngoại giao chủ trì buổi họp báo online về sự kiện "Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ" mới đây.

Chương trình Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến và phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội từ 15 – 18h (giờ Việt Nam) ngày 9/10/2021.

Đây là hoạt động quan trọng nhằm kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Thụy Sỹ (11/10/1971 - 11/10/2021). Đặc biệt, cũng là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Ngày Việt Nam ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nối tiếp Ngày Việt Nam tại Thụy Sỹ năm 2021, Ngày Việt Nam tại Mỹ năm 2021 sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới, nhằm góp phần thúc đẩy các cơ hội hợp tác song phương, đa phương trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Mỹ.

Với sự tham gia của nhiều “sứ giả”, từ chính khách đến các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư đã và đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, “Ngày Việt Nam tại Thụy sỹ” không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia, mà còn giới thiệu hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc nhưng không kém phần hiện đại tới công chúng tại Thuỵ Sỹ và châu Âu.

Đặc biệt, qua sự kiện này Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút nhiều du khách và nhà đầu tư Thụy Sỹ.

Vài năm gần đây, hai nước liên tục có những động thái thúc đẩy quan hệ song phương. Trong đó, lĩnh vực đầu tư, thương mại được coi là đòn bẩy.

Hồi tháng 7, Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã giới thiệu cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư Thụy Sỹ.

Theo đó, cơ hội dành cho nhà đầu tư Thụy Sỹ nằm ở những khâu đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đặc biệt là nỗ lực của chính phủ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tăng hiệu quả đầu tư, tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, tăng cường thương mại nhằm thực hiện mục tiêu phát triển đất nước bền vững.

Với hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, Thụy Sỹ hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 của Việt Nam. Tính đến tháng 6/2021, Thụy Sỹ có 172 dự án với tổng vốn đăng ký 1,9 tỷ USD, đứng thứ 20/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Ngày càng có nhiều công ty Thụy Sỹ đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Trong số các tập đoàn lớn của Thụy Sỹ đầu tư tại Việt Nam, có thể kể đến Nestlé (thực phẩm, đồ uống), Novatis/Ciba - Sandoz (hóa dược), Roche (dược phẩm), ABB (thiết bị điện, xây dựng trạm biến thế), Sulzer (cơ khí, thiết bị điện), SGS (giám định), Escatec (thiết bị điện tử), Ringier (in ấn), André/ CIE (thương mại) và 1 số doanh nghiệp khác.

Các doanh nghiệp của Thụy Sỹ đã đầu tư vào Việt Nam không chỉ tạo ra khoảng 20 nghìn việc làm cho thị trường, mà còn áp dụng phương pháp đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ lao động và năng lực sản xuất của ngành trong nước. (ảnh: Nestle' Việt Nam)

Các doanh nghiệp của Thụy Sỹ đã đầu tư vào Việt Nam không chỉ tạo ra khoảng 20 nghìn việc làm cho thị trường, mà còn áp dụng phương pháp đào tạo, chuyển giao công nghệ để nâng cao trình độ lao động và năng lực sản xuất của ngành trong nước. (ảnh: Nestle' Việt Nam)

Tuy nhiên, hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng lớn để tăng cường kinh doanh, đầu tư, thương mại của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Thụy Sỹ tại Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa trên công nghệ cao và tăng trưởng xanh, bền vững.

Thị trường Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân với sức mua đang ngày một tăng cao sẽ là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Thụy Sỹ. Mặc dù vậy, lĩnh vực mà các doanh nghiệp Thụy Sỹ vốn có thế mạnh là tài chính-ngân hàng, bảo hiểm thì còn chưa hiện diện nhiều.

Để thúc đẩy các lĩnh vực tiềm năng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam mới đây đã ký thỏa thuận song phương về chương trình Đào tạo Giám đốc điều hành Ngân hàng Thụy Sỹ mới (Swiss BET) nhằm giúp nâng cao năng lực cho các giám đốc điều hành ngân hàng Việt Nam.

Chương trình sẽ thực hiện trong vòng 5 năm (từ năm 2022 -2027), cung cấp hỗ trợ với khoản tài trợ 5 triệu CHF (5,4 triệu USD). Viện Tài chính Thụy Sỹ, cơ quan thực hiện dự án, sẽ đào tạo hơn 240 giám đốc điều hành ngân hàng Việt Nam và hàng trăm giám đốc ngân hàng trung ương về các phương pháp quản lý ngân hàng hiện đại nhất.

Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ tìm đến Việt Nam kinh doanh sau khi đi du lịch nhờ phát hiện ra những tiềm năng mới mẻ. Về thương mại, Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để sớm hoàn tất việc ký kết FTA.

Tin bài liên quan