Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mở đầu cuộc gặp gỡ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói rằng, ông rất hồi hộp, cũng có phần căng thẳng, vì thực sự chưa làm việc này bao giờ.
“Đứng trước 100 người, 1.000 người đã thấy căng, huống hồ đang trò chuyện với gần một triệu người. Nhưng tôi sẽ cố gắng”, người đứng đầu ngành giáo dục thẳng thắn chia sẻ.
Trải lòng về việc tổ chức cuộc gặp gỡ này Bộ trưởng thừa nhận có người khuyên ông không nên tổ chức bởi làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra.
Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và ông vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này. Cũng phải nhắc lại, đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại.
"Không phải đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định, mà là cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, các vụ cục với toàn thể nhà giáo. Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nêu.
Ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như rời non lấp bể.
Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực, việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được.
Với trên 6.500 câu hỏi chuyển về bằng nhiều kênh và nhiều con đường khác nhau, một buổi hay nhiều ngày tôi cũng không thể trả lời hết được.
Trong thời gian có hạn, sẽ mời các nhà giáo từ một số tỉnh thành phát biểu ý kiến, nêu vấn đề và tôi cùng lãnh đạo Bộ và các vụ, cục sẽ trao đổi, chắc cũng chỉ được một số lượng vô vùng nhỏ so với số ý kiến đó.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, để chuẩn bị cho sự kiện, thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ trung ương đến địa phương, Bộ đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến, trong đó, có khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Theo ông Ân, các ý kiến tập trung các vấn đề tồn tại trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); Chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của , giáo viên mầm non…).
Tại cuộc gặp gỡ, Cô Lương Thị Thuận Ánh, nhân viên thư viện Trường THCS Thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) gửi những kiến nghị đến Bộ trưởng.
Nữ nhân viên này nói rằng, đối với nhân viên, hiện tại chỉ có lương chính, không có phụ cấp hoặc có chăng cũng rất thấp (Ví dụ: đối với nhân viên thư viện được hưởng phụ cấp độc hại là 0.2 so với mức lương cơ bản), không được hưởng phụ cấp thâm niên nên hầu hết chưa đảm bảo được cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Do đó, dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên giảm tâm huyết gắn bó với nghề để tìm nguồn mưu sinh ở những lĩnh vực khác.
Minh chứng là, việc tuyển viên chức ngành giáo dục hàng năm cho các vị trí thư viện, văn thư, thiết bị có rất ít hồ sơ đăng ký dự tuyển và hiện tại các vị trí này ở một số trường vẫn còn thiếu nhân viên chuyên trách.
Trước những thuận lợi, khó khăn vừa nêu, nữ nhân viên này đại diện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học ở Cà Mau kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, có chính sách lương hợp lý để đội ngũ đội ngũ nhân yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.
Còn ý kiến của cô Trần Thị Phương Thảo (Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú) cho biết, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc phục vụ, hỗ trợ trong trường THCS có 8 vị trí nhân viên, gồm: Thư viện; Thiết bị thí nghiệm; Công nghệ thông tin; Kế toán; Văn thư; Thủ quỹ; Y tế và Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật. Thực trạng hiện nay, mức thu nhập của những nhân viên này còn quá thấp, gặp rất nhiều khó khăn để đảm bảo cuộc sống.
Về định hướng đổi mới trong thời gian tới theo lời nữ giáo viên, thời gian vừa qua, toàn Ngành đã triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng, bước đầu đã đạt được những kết quả rất phấn khởi.
Tuy nhiên, dư luận xã hội và phụ huynh cũng còn những ý kiến trái chiều, đôi khi làm cho đội ngũ giáo viên hoang mang do vậy cô giáo mong Bộ trưởng cho biết những định hướng lớn của Ngành trong thời gian tới về tiếp tục thực hiện đổi mới giáo dục.
Ý kiến của cô Hoàng Thị Thu Hương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Hòa Bình, huyện Văn Quan đại diện cho các thầy cô giáo tỉnh Lạng Sơn nêu ý kiến, từ năm học 2023-2024 các địa phương bắt đầu tổ chức thi học sinh giỏi lớp 8, lớp 9 các cấp theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có một số môn tích hợp như KHTN, Lịch sử và Địa lí là các môn học mới.
Nữ giáo viên này mong Bộ trưởng chỉ đạo các Vụ liên quan có hướng dẫn sớm về việc xếp môn thi Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí thi theo bài thi đơn lẻ như môn học cũ (Vật lí, Hoá học, Sinh học; Lịch sử, Địa lí) hay thi theo nội dung của môn học tích hợp. Trong khi đó ở cấp THPT không có các môn học tích hợp này.
Bên cạnh đó, hiện nay trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Tiếng Trung các địa phương đều gặp khó khăn do thiếu sách giáo khoa, kính mong Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc biên soạn sách để thực hiện hiệu quả Chương trình.
Ngoài ra, hiện nay tỉnh Lạng Sơn có 84 trường liên cấp, tại các trường liên cấp nhiều giáo viên phải dạy cả hai cấp học khác nhau. Trong khi đó, mỗi cấp học lại có định mức tiết dạy khác nhau.
Nữ giáo viên mong Bộ trưởng chỉ đạo các Cục, Vụ liên quan sớm có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể định mức tiết dạy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên dạy liên cấp.
Cô Nguyễn Thị Thiều Hoa, giáo viên Trường THCS Đặng Thai Mai, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An chia sẻ, trong quá trình công tác, đội ngũ giáo Nghệ An nhận được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục, sự đồng thuận, đồng lòng của các bậc phụ huynh. Qua đó, giáo viên có nhiều thuận lợi, phát huy được năng lực, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp giáo dục trong tỉnh.
Trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành đang triển khai Chương trình GDPT 2018, có nhiều đổi mới nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc và băn khoăn. Đại diện cho các thầy giáo, cô giáo tỉnh Nghệ An, cô Thiều Hoa gửi tới Bộ trưởng các tâm tư, nguyện vọng:
Trước hết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2108 cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, do đó các giáo viên được đào tạo đơn môn phải tham gia bồi dưỡng Chương trình này để dạy được cả môn.
Việc bồi dưỡng theo khung chương trình ban hành theo Thông tư số 2454 và 2455 của Bộ cơ bản giúp giáo viên có thể dạy được cả môn tích hợp.
Tuy nhiên để giáo viên tự tin hơn, dạy học hiệu quả hơn, đề nghị Bộ có chủ trương, chỉ đạo, hướng dẫn để tiếp tục có các giải pháp giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn, tự tin hơn và dạy học hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đối với cấp THPT theo lộ trình đến nay đã triển khai tới lớp 11.
Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh đều chưa rõ phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học sẽ như thế nào. Vì vậy, cô Thiều Hoa bày tỏ mong Bộ sẽ sớm có văn bản hướng dẫn, định hướng về kì thi tốt nghiệp THPT 2025 và tuyển sinh đại học để giáo viên được biết.
Ngoài ra, như quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng, đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Trong khi đó, Ngành lại không thể quyết định về tuyển dụng để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cũng như quyết định về tiền lương và phụ cấp để đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành giáo viên. Đại diện cho giáo viên Nghệ An mong Bộ trưởng cho biết sắp tới ngành Giáo dục có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này.
Còn cô Bùi Thị Thanh Huệ, Hiệu trưởng Trường THCS Trung An (Vũ Thư, Thái Bình) đại diện đội ngũ nhà giáo tỉnh Thái Bình bày tỏ ý kiến, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ nhằm hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình mới còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ nhất, hiện nay, theo định mức giáo viên/lớp theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường Tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Số tiết học hiện nay tăng so với trước đây. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của một số môn bắt buộc, hoạt động giáo dục, hoạt động bồi dưỡng học sinh giỏi.
Chưa kể nhiều giáo viên đã và đang xin nghỉ việc. Do các điều kiện trên, định mức 2 buổi/ngày như hiện nay dù thực hiện tối đa nhưng chưa phù hợp do vậy giáo viên này kiến nghị Bộ trưởng quan tâm và hỗ trợ việc thực hiện quy định trên.
Thứ hai, hiện nay ý thức của một số học sinh chưa chăm ngoan do nhiều điều kiện như hoàn cảnh gia đình, tiếp xúc sớm với Internet và mạng xã hội...
Điều này dẫn đến nhiều học sinh vi phạm điều lệ trường học, gây ra bạo lực học đường. Tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở học sinh nam, mà còn giữa học sinh nữ, giữa giáo viên với học sinh hay học sinh với giáo viên, thậm chí là phụ huynh với giáo viên. Vì vậy, mong ngành Giáo dục quan tâm và có giải pháp cải thiện vấn đề trên.
Thứ ba, bên cạnh lương thưởng, chế độ làm thêm giờ, phụ cấp đứng lớp cho nhà giáo, hy vọng ngành Giáo dục có định hướng chiến lược, thể hiện sự quan tâm đến đội ngũ nhà giáo.
"Trong đó, có thể tăng cường việc giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên nhằm khơi dậy tình yêu nghề trong đội ngũ nhà giáo, xây dựng tinh thần tâm huyết trách nhiệm trong công việc", giáo viên này đề xuất