Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Ảnh: Liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) vừa có công văn gửi Sở GTVT TP.HCM tham gia ý kiến về Dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (kết nối Công viên bến Bạch Đằng, Quận 1 với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức).
Về thiết kế cơ sở, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng cầu có nhịp lớn, kết cấu dầm mảnh, mái vòm cầu được phủ một lớp màng ETFE nên cầu rất nhạy cảm với gió.
Vì vậy, ngoài việc tính toán sức kháng gió (về cường độ, về dao động) của kết cấu theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, chủ đầu tư cần thực hiện thí nghiệm hầm gió bằng mô hình cầu đầy đủ để đánh giá độ ổn định gió của công trình cầu.
Về dao động cầu, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo tiêu chuẩn AASHTO LRFD, tần số dao động cơ bản theo phương thẳng đứng của cầu không có hoạt tải phải lớn hơn 3,0Hz; theo hướng còn lại tần số dao động cơ bản của cầu phải lớn hơn 1,3Hz.
Do vậy, cần tính toán dao động của cầu cho trường hợp có hoạt tải và không có hoạt tải, tránh xảy ra hiện tượng cộng hưởng trong quá trình khai thác.
Liên quan đến kết cấu và tính toán kết cấu, theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, mặt cắt ngang cầu chính theo bản vẽ thiết kế cơ sở, trên mặt cắt ngang cầu chính, dầm biên sử dụng ống thép D800mm.
Tại mục 6.2.1.2 thuyết minh Báo cáo nghiên cứu khả thi và mục 3.1.2 trong tập IV-Phụ lục các bảng tính toán sơ bộ, dầm biên dạng hộp thép chưa thống nhất với bản vẽ.
Về hệ thống cáp treo, theo thiết kế, cáp treo nối từ vòm cầu với dầm cầu chính để đỡ dầm, đồng thời giữ ổn định gió và chống rung ngang dầm do tải trọng người đi bộ gây ra, gồm: cáp chéo nối vòm biên với dầm chính, cáp trung tâm ở giữa nối vòm giữa với dầm chính.
Tuy nhiên các loại cáp này bố trí theo từng đoạn dọc cầu, không bố trí đồng thời trên mặt cắt ngang sẽ khó đảm bảo ổn định tổng thể trên toàn cầu do vậy, chủ đầu tư cần nghiên cứu tính toán, bố trí đồng thời các cáp chéo và cáp trung tâm trên cùng mặt cắt ngang cầu một cách hợp lý nhằm tăng độ cứng và tần số dao động riêng của cầu.
Bên cạnh đó, Bảng tính toán kết cấu công trình chưa đầy đủ, chưa tính toán ổn định xoắn của cả hệ kết cấu cầu chính và nén uốn vòm, độ võng của dầm chính, tải trọng nhiệt độ, phần bản hẫng cầu chính (dạng công son) phía Quận 1… và các hạng mục khác (bậc thềm lớn, quán cà phê…).
Được biết, Dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (kết nối Công viên Bến Bạch Đằng, Quận 1 với Công viên bờ sông Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức) có điểm đầu trong khu vực công viên Bạch Đằng, Quận 1; điểm cuối trong khu vực Công viên bờ sông, giáp với đường Nguyễn Thiện Thành (tuyến R3) thuộc đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
Dự án có chiều dài cầu chính khoảng 261 m, nhịp chính vòm treo dây văng dài khoảng 187 m, dầm thép; mặt cắt ngang cầu chính có chiều rộng thay đổi từ 7 m – 11 m; khổ thông thuyền 80x10m; cầu dẫn phía Quận 1 dài khoảng 285 m, rộng 6 m, nhịp cầu bằng dầm bê tông cốt thép; cầu dẫn phía TP. Thủ Đức có 2 nhánh: nhánh 1 dài khoảng 290 m, chiều rộng 6 m, dầm thép; nhánh 2 dài khoảng 165 m, chiều rộng 6 m, dầm thép kết hợp dầm bê tông cốt thép.
Tổng mức đầu tư Dự án là 996,97tỷ đồng do Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood tài trợ toàn bộ chi phí đầu tư hoàn thành dự án (gồm các hạng mục cầu chính, cầu dẫn và đường dẫn cầu, trụ chống va, hệ thống chiếu sáng giao thông, chi phí tháo dỡ, kè bờ sông, thang máy).