Gần 2 năm, giải ngân mới đạt 4.800 tỷ đồng
Được kỳ vọng sẽ hoàn thành giải ngân vào ngày 31/6/2016 sau đúng 3 năm triển khai, thế nhưng, hơn nửa thời gian đã trôi qua mà gói tín dụng 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được hơn 16%. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến giữa tháng 1/2015, tổng số tiền mà các ngân hàng giải ngân mới đạt gần 4.900 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, dù ngay từ đầu năm 2015, NHNN đã cho phép thêm 10 ngân hàng thương mại cổ phần được tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, nâng tổng số ngân hàng tham gia giải ngân gói tín dụng này lên con số 15, bao gồm: Eximbank, BaovietBank, SaigonBank, PVCombank, TienphongBank, OCB, VPBank, SeABank, NamABank và SHB. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều ngân hàng TMCP vẫn chưa giải ngân đồng vốn nào trong gói 30.000 tỷ đồng.
Lý giải cho việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, ông Đinh Văn Chiến, Giám đốc Khối Ngân hàng cá nhân (TPBank) cho biết: “Đầu năm, người dân còn kiêng cữ việc vay mượn, nên lượng hồ sơ chưa nhiều”. Đại diện TPBank cũng cho biết, hiện ngân hàng đã mở rộng liên kết tới 13 dự án hỗ trợ vay theo gói này và bước đầu giải ngân được 2 hồ sơ.
Trong khi đó, mãi đến ngày 2/3/2015, SHB mới chính thức triển khai cho vay tín dụng này và khả năng đến thời điểm này vẫn chưa có khách hàng nào được giải ngân. Trong khi đó, một số ngân hàng TMCP khác cho đến nay vẫn im hơi lặng tiếng về kế hoạch triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN), sở dĩ các ngân hàng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chậm là do nguồn nhà ở xã hội trên thị trường còn thiếu, ngân hàng muốn cho vay, nhưng ít người có đủ điều kiện vay.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản cho rằng, giải ngân gói 30.000 tỷ đồng chậm một phần là do các ngân hàng kém nhiệt tình. “Cho vay gói 30.000 tỷ đồng, ngân hàng gần như không có lãi, nên chỉ rầm rộ xin tham gia để ‘đánh bóng thương hiệu’, chứ thực sự không mặn mà giải ngân”, giám đốc một doanh nghiệp địa ốc nói.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét: “Trong số 5 ngân hàng thương mại quốc doanh được Chính phủ giao triển khai các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, BIDV là tổ chức tín dụng tham gia tích cực nhất”.
Chớ vội tính đến gói 50.000 tỷ đồng
Trong khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đang được đánh giá kém hiệu quả, thì mới đây, NHNN lại tiếp tục trình Chính phủ gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản, trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng.
Trước đó, một gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho bất động sản được Ngân hàng Xây dựng (VNCB) cùng Tập đoàn Thiên Thanh quảng cáo rầm rộ và cũng đã thất bại thảm hại. Từ khi ra mắt đến khi bị NHNN mua lại với giá 0 đồng (gần 1 năm), gói tín dụng 50.000 tỷ đồng của VNCB vẫn chưa được giải ngân.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thất bại vì điều kiện vay quá chặt chẽ và thời hạn vay quá ngắn so với mức thu nhập trung bình của người mua nhà ở xã hội hiện nay. Cụ thể, với mức thu nhập bình quân hiện nay, đa số người thu nhập thấp sẽ phải mất 20-30 năm mới trả hết nợ, thay vì 10-15 năm như hiện nay. Nếu không tháo gỡ hai vướng mắc này, gói 50.000 tỷ đồng cũng sẽ thất bại như gói 30.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp địa ốc, mức lãi suất 5% của gói vay 30.000 tỷ đồng là rất hấp dẫn, song không có mấy ý nghĩa, vì thực tế, doanh nghiệp tiếp cận được rất ít. Các doanh nghiệp cho biết, họ chấp nhận trả lãi đến 7-8%/năm nếu điều kiện vay được nới lỏng hơn.
Trong khi đó, các ngân hàng cho biết, họ cũng gặp vướng khi triển khai gói tín dụng này. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, một cán bộ của VietinBank cho hay: “Một số thông tin cho rằng, thời gian qua, các ngân hàng đã lờ cho vay gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng, mà hướng khách hàng sang vay thương mại, điều này không hẳn đúng. Thực tế, nhiều khách hàng khi đặt vấn đề vay gói 30.000 tỷ đồng và được ngân hàng hướng dẫn thủ tục đã phải chạy đi, chạy lại hàng chục lần tới các cơ quan, chính quyền địa phương, song vẫn không xin đủ giấy xác nhận. Cuối cùng, khách hàng đành xin vay thương mại, bởi xin được đầy đủ thủ tục quá khó, không chỉ ngân hàng nản, mà khách hàng cũng nản”.