Có đất nhưng dân không thể xây nhà
Tại Dự án A.T.V thuộc huyện Nhà Bè, TP. HCM, nhiều khách hàng mua đất theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư đang suốt ruột khi nhận bàn giao nền đất chỉ để… ngắm. Lý do dẫn đến tình trạng này là khách hàng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, nên chưa thể xây dựng nhà.
Tương tự, nhiều khách hàng mua đất nền dưới hình thức “góp vốn đầu tư hạ tầng dự án để nhận nền đất xây dựng nhà ở” tại Dự án Khu dân cư An Sương (phường Tân Hưng Thuận, quận 12) do Công ty TNHH một thành viên Phát triển và kinh doanh nhà (trực thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) làm chủ đầu tư cũng đang ngồi trên đống lửa vì chưa được xây dựng nhà để ở.
Sau khi góp đủ 95% giá trị nền đất, khách hàng được chủ đầu tư bàn giao đất và đã đủ điều kiện tiến hành xây dựng nhà theo quy hoạch 1/500 của Dự án. Tuy nhiên, từ sau khi có quy định mới về cấp phép xây dựng tại Nghị định 64, người dân có đất tại đây không thể tiến hành xây dựng.
Ông K., một khách hàng phản ánh, mua lô đất tại dự án trên từ năm 2010, đến tháng 8/2013, khi có nhu cầu xây nhà để kinh doanh, ông đến Ban Quản lý dự án liên hệ xây nhà thì được trả lời, phải chờ được cấp sổ đỏ mới được xây dựng. Tuy nhiên, trong hợp đồng góp vốn lại không có điều khoản nào quy định thời hạn chủ đầu tư phải giao sổ đỏ cho bên góp vốn. Sau nhiều lần liên hệ, ông K. được nhân viên Ban Quản lý dự án hướng dẫn, nếu cần gấp, ông có thể tự đi làm sổ đỏ bằng cách mang toàn bộ giấy tờ liên quan đến UBND quận 12 để xin cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, khi liên hệ bộ phận tiếp nhận hồ sơ UBND quận 12 thì được trả lời, chỉ giải quyết cho những trường hợp tái định cư, còn “hợp đồng góp vốn” thì không nhận hồ sơ.
“Tôi đã bỏ gần 2 tỷ đồng mua lại lô đất chưa đến 100 m2, nhưng chẳng được xây dựng, sổ đỏ cũng chưa biết bao giờ có”, ông K. bức xúc.
Theo ông Phan Quang Tống, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển và kinh doanh nhà, toàn bộ dự án đã nộp tiền sử dụng đất, hiện nay Công ty đang làm thủ tục để “ra sổ” cho từng nền đất. Tuy nhiên, thời gian để khách hàng có sổ đỏ để được xây nhà vẫn là một dấu hỏi, bởi dự án này đã bàn giao nền cho khách hàng gần 10 năm nay.
Tắc thanh khoản vì thủ tục
Dù là phân khúc được ưa chuộng, nhưng chính những rào cản về thủ tục đã khiến cho thị trường đất nền mất đi tính thanh khoàn thời gian qua. Không chỉ những trường hợp kể trên, tại hàng loạt dự án ở khu Nam sài Gòn, quận 2, quận 9, Thủ Đức… khách hàng cũng lâm vào tình cảnh tương tự.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây dựng Tân Thuận, nhiều khách hàng có ý định mua đất, nhưng khi biết chưa rõ khi nào mới được xây nhà, họ đã rút lui.
Theo Nghị định 64/2012 về cấp phép xây dựng (có hiệu lực từ ngày 20/10/2012) và Thông tư số 10, hồ sơ xin cấp phép xây dựng ngoài các yêu cầu như hồ sơ như cũ, còn có bản sao có chứng thực một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Mặt khác, trước đây, những dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 thì khách hàng được xây dựng mà không cần xin phép, còn theo quy định mới, dù dự án đã có quy hoạch 1/500, nhưng khách hàng vẫn phải xin giấy phép xây dựng.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Cấp phép - Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, quy định buộc phải xin phép xây dựng tại các dự án của Nghị định 64, là nhằm tăng cường quản lý trong quá trình xây dựng. Trước kia, việc này giao hết cho chủ đầu tư, không có sự giám sát trong quá trình xây dựng, nên hậu quả người mua chịu hết. Ngoài ra, hạ tầng cũng không được chủ đầu tư đầu tư xây dựng như quy hoạch.
Trong khi đó, theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, quy định mới về cấp phép xây dựng (Nghị định 64) đang tạo ra nhiều rào cản đối với người dân và doanh nghiệp.
“Bản thân quy hoạch chi tiết 1/500 đã quy định rõ về khoảng lùi, tầng cao, kiến trúc… rất chi tiết, đầy đủ trước đây, những dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì không phải xin cấp phép xây dựng, chủ nhà chỉ xây dựng theo mẫu nhà chung của toàn dự án. Điều này chỉ thêm phiền toái, làm khổ dân, thêm việc cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.