Điều này đồng nghĩa với việc, còn một nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2018 sẽ được thực hiện trong 4 tháng còn lại của năm.
Trong khi đó, số liệu từ báo cáo tài chính quý II/2018 của các ngân hàng cho thấy, đa số các nhà băng đã dùng gần hết chỉ tiêu tăng trưởng trong hoạt động cho vay khách hàng.
Cụ thể, Vietcombank, MBBank, ACB, SCB, NCB, VietBank, VietABank, KienLongBank… là những ngân hàng có mức tăng trưởng cho vay khách hàng từ 10% trở lên và TPBank, HDBank, LienVietPostBank là ba ngân hàng dẫn đầu với tăng trưởng tín dụng tương ứng 16,3%; 15,2% và 13,8%.
Theo NHNN, tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 6/2018 đạt 6,67 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2017 và tăng 29% so với năm 2016.
“Các số liệu trên cho thấy, phần lớn các ngân hàng đã “tiêu” gần hết room tăng trưởng tín dụng được giao từ đầu năm, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 8,5% cho 4 tháng cuối năm để cán đích.
Nếu chỉ làm kỹ thuật số liệu để đạt chỉ tiêu sẽ không khó, nhưng để tăng trưởng tín dụng thực, nhiều khả năng hệ thống ngân hàng sẽ không đạt được mục tiêu đề ra”, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nhận định.
Trong bối cảnh này, liệu NHNN có tính đến việc nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong những tháng cuối năm như mọi lần hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 17%, thực chất NHNN chưa hết room.
NHNN sẽ có những xem xét và điều chỉnh, tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ phù hợp với thực tiễn và tối đa không quá 17%.
Van tín dụng sẽ được NHNN điều tiết linh hoạt để hướng dòng vốn từ các tổ chức tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất để phát huy hiệu quả cao nhất. Đối với các tổ chức tín dụng cho vay nhiều vào những lĩnh vực rủi ro, NHNN kiên quyết không nới room tín dụng.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng thương mại chia sẻ: “Ngân hàng tôi đã trình xin cơ quan quản lý nới room nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Dự kiến, nếu được tăng room cũng phải sang quý IV/2018, nhưng khả năng là thấp. Bởi NHNN đã đưa ra thông điệp, chỉ có ngân hàng yếu kém được nới room tín dụng, còn các ngân hàng không yếu kém, cơ quan này sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể”.
Như vậy, không ít nhà băng đang ở trong thế bí, khi dư địa đẩy mạnh cho vay đã gần cạn. Chẳng hạn, đối với LienVietPostBank - ngân hàng đứng thứ ba về tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018, Ngân hàng đã thông báo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2018 và một trong những lý do là không được "nới room" tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống 1.200 tỷ đồng, tương đương mức giảm 30%. Tổng tài sản giảm từ 190.000 tỷ đồng xuống 180.000 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 giảm từ 170.000 tỷ đồng xuống 160.000 tỷ đồng; dư nợ tín dụng thị trường 1 từ 123.500 tỷ đồng xuống 117.557 tỷ đồng.
“Tín dụng giảm thì tổng tài sản, huy động vốn cũng giảm theo tương ứng để đáp ứng đúng các yêu cầu của NHNN", ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch LienVietPostBank cho biết.
Đáng chú ý, ngày 2/8/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong 6 tháng cuối năm 2018.
Đối với tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống và từng tổ chức tín dụng, NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Đáng lưu ý, NHNN không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các tổ chức tín dụng yếu kém).
“Nguồn vốn ngân hàng sẽ được tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT và BT giao thông vẫn sẽ được kiểm soát chặt chẽ”, Chỉ thị nhấn mạnh.
Ông Hùng cho biết: “Dòng vốn tín dụng trong 6 tháng đầu năm đối với các lĩnh vực rủi ro đã được hạn chế tối đa. Đặc biệt, tất cả những tổ chức tín dụng đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro đều được NHNN cảnh báo.
Nếu tổ chức tín dụng nào có tốc độ tăng trưởng bất thường, cần cảnh báo thì NHNN sẽ mời Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của ngân hàng đó lên làm việc, để từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Bên cạnh đó, để kiểm soát được dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro, NHNN cũng luôn có những đánh giá và phân tích thực trạng, sau đó báo cáo lên Chính phủ”.
Nhận định về tình hình tăng trưởng tín dụng hiện này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Trong nửa đầu năm 2018, tăng trưởng GDP tăng mạnh 7,08% so với 6 tháng cùng kỳ trong 10 năm qua, nhiều khả năng không cần tăng trưởng tín dụng cao để thúc đẩy GDP nên Chính phủ sẽ quay lại bài toán siết chặt nhằm ổn định kinh tế. Do vậy, tăng trưởng tín dụng của năm 2018 có thể không cần đạt mục tiêu 17% đặt ra từ đầu năm”.
Thông tin từ NHNN cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, cụ thể:
Tín dụng cho bất động sản chỉ tăng 3,65% so với cuối năm 2017 và thấp hơn nhiều so với con số 9,78% cùng kỳ năm 2017; tín dụng cho BT, BOT tăng 2,15%; đặc biệt, tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán giảm 9,61% so với cuối năm 2017; tín dụng cho vay tiêu dùng cũng giảm rất mạnh và chỉ còn khoảng 10% (năm 2017 tăng trên 30%); tín dụng tiêu dùng cũng hướng nhiều đến cho vay các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, thay vì cho vay nhà ở và bất động sản như những năm trước…
Trong khi đó, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến thời điểm cuối tháng 7/2018 đạt được những kết quả tích cực như dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 1.431.171 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm 2017 và chiếm tỷ trọng khoảng 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế.
Đối với Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7/3/2017:
Dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 38.000 tỷ đồng, hơn 16.800 khách hàng đang có dư nợ. Ngoài ra, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 182.420 tỷ đồng, tăng 10.630 tỷ đồng so với năm 2017 (tăng 6,19%).