Lần đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán, Sabeco lên kế hoạch tăng vốn gấp đôi.

Lần đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán, Sabeco lên kế hoạch tăng vốn gấp đôi.

Nhiều kế hoạch tăng vốn "khủng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chia thưởng cổ phiếu, nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch chào bán cho cổ đông hiện hữu, cho đối tác ngoại… để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh.

Dồn dập các kế hoạch tăng vốn

Lần đầu tiên kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2016, Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) lên kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo đó, Sabeco sẽ chia cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 1:1 cho cổ đông. Số tiền sử dụng để phát hành cổ phiếu tăng vốn là gần 6.413 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Sabeco sẽ đạt xấp xỉ 12.826 tỷ đồng.

Chia cổ phiếu thưởng để tăng vốn là phương án vừa được Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Coteccons (mã CTD) lựa chọn. Cụ thể, Công ty sẽ phát hành hơn 24,8 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương 33,3% lượng cổ phiếu đang lưu hành, qua đó, nâng vốn điều lệ từ hơn 788 tỷ đồng lên hơn 1.036 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Eximbank (mã EIB) cũng vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa gần 2.655 tỷ đồng, thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp xuất nhập khẩu Đông Dương (mã DDG) sẽ triển khai chào bán riêng lẻ 20 triệu cổ phiếu trong thời gian tới, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng. Mục đích chào bán là để bổ sung vốn lưu động và toàn bộ sẽ được sử dụng để thanh toán tiền vay ngân hàng.

Hay Công ty cổ phần Rạng Đông Holdings (mã RDP) dự kiến phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu nhằm huy động khoảng 300 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản vay tại ngân hàng. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư tài sản Koji (mã KPF) thông qua kế hoạch chào bán hơn 9,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, theo tỷ lệ 100:16 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu có quyền mua 16 cổ phiếu), giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuần giữa tháng 8, Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (mã VSC) đã nộp hồ sơ xin phát hành tăng vốn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và kỳ vọng trong tuần này sẽ nhận được công văn phản hồi từ cơ quan quản lý.

Theo Nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2023, VSC sẽ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, tương ứng chào bán gần 121,27 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, để huy động 1.212 tỷ đồng. VSC dự kiến dùng 1.200 tỷ đồng trong số tiền huy động được để mua chi phối một doanh nghiệp cảng biển có trụ sở tại Hải Phòng, 12,69 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động.

Thực tế, VSC đã M&A xong Cảng Nam Hải Đình Vũ và vận hành kể từ cuối tháng 5/2023. Do đó, Công ty kỳ vọng hồ sơ sẽ sớm đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý để có thể tăng vốn thành công trong năm 2023.

Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Tracodi cho biết, Công ty đã hoàn tất hồ sơ tăng vốn tỷ lệ 1:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và trong quý III/2023 nộp lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tracodi đã chốt thương vụ mua lại một mỏ đá với trữ lượng 26 triệu m3, tương đương mỏ Antraco đang sở hữu. Mỏ đá này có lợi thế nằm gần cao tốc và có thể cung cấp đá cho giai đoạn 2 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo, đặc biệt là dự án sân bay quốc tế Long Thành. Vấn đề Tracodi phải giải quyết là thu xếp nguồn tài chính, Công ty trông đợi lớn ở kế hoạch phát hành này.

Công ty cổ phần Dược phẩm Tiền Giang (Tipharco, mã DTG) cũng dự kiến ngay sau khi chốt quyền chia cổ tức 20% vào cuối tháng 8/2023 sẽ nộp hồ sơ phát hành tỷ lệ 1:3 để nâng vốn điều lệ từ 63 tỷ đồng lên 252 tỷ đồng. Mục tiêu của Tipharco là đầu tư xây dựng dây chuyền chuẩn EU, với chi phí đầu tư dự kiến là 25 triệu USD.

Trước khi thực hiện kế hoạch tăng vốn tham vọng, Tipharco đã chuyển sàn từ UPCoM sang HNX để nâng tầm quản trị doanh nghiệp, tăng tính đại chúng của Công ty. Theo quy định hiện hành, Công ty cần có đơn vị bảo lãnh phát hành phương án tăng vốn 1:3. Bởi vậy, gần như chắc chắn Công ty sẽ thực hiện thành công việc tăng vốn, nếu Ban lãnh đạo quyết tâm thực hiện.

Phương án tối ưu với doanh nghiệp

Nếu như năm 2022 và nửa đầu năm nay, số doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu để gọi vốn mới không nhiều thì trong quý III này, qua khảo sát ở các công ty chứng khoán, số hồ sơ xin phát hành tăng cao. Một phần do thị trường chứng khoán có tín hiệu phục hồi, thuận lợi hơn cho việc triển khai các kế hoạch phát hành, một phần đến từ nhu cầu vốn của bản thân các doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, khi các cửa gọi vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng… khó khăn thì huy động vốn qua thị trường chứng khoán với các doanh nghiệp minh bạch, có chiến lược tăng trưởng tốt, có dự án phù hợp, sẽ tối ưu hơn với chi phí hợp lý hơn.

Nhìn nhận về làn sóng tăng vốn của các doanh nghiệp, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest lý giải, năm 2022, suy thoái kinh tế và khủng hoảng thị trường trái phiếu dẫn tới khủng hoảng bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp. Nợ phải trả của nhiều doanh nghiệp đã vượt tài sản, vốn chủ sở hữu âm hoặc mất khả năng thanh toán.

Theo ông Khánh, thực chất, nhu cầu gọi vốn của doanh nghiệp chắc chắn là nhiều, nhưng nhu cầu vay vốn kinh doanh thuần tuý thì giảm. Các doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng nên nhu cầu vốn lưu động giảm. Nhu cầu vay trung, dài hạn cũng giảm vì doanh nghiệp chưa nhìn thấy cơ hội từ thị trường để gia tăng đầu tư. Nhưng nếu doanh nghiệp cảm thấy có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn thì vẫn thực hiện để làm bộ đệm dự phòng.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, việc vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp về cơ bản đang tắc nghẽn. Dù sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành, một số doanh nghiệp phát hành thành công, nhưng niềm tin của nhà đầu tư với thị trường chưa được tốt, doanh nghiệp phải tìm cách tăng vốn chủ qua kênh cổ phiếu.

Lúc này, gọi vốn qua kênh cổ phiếu có hai phương thức: một là, phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu; hai là, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược. Về lý thuyết, để tìm được các nhà đầu tư chiến lược trong giai đoạn này với các doanh nghiệp là rất khó khăn, vất vả. Có những doanh nghiệp phải tìm đối tác nước ngoài, trong khi thời gian thẩm định tương đối lâu.

Đối với phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, về cơ bản, đại hội đồng cổ đông 2023 của các doanh nghiệp đều đồng ý phương án này. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cũng chỉ còn chọn ngày, làm hồ sơ xin phép Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước để thực hiện tăng vốn. Nếu thực hiện được, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn, cải thiện bảng cân đối kế toán của họ. Khi đó, bảng cân đối kế toán có thể gia tăng tính an toàn và doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc vay vốn mở rộng giai đoạn tiếp theo.

Quan điểm của cơ quan quản lý về việc huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán là ủng hộ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ trưởng Tài chính đã ký Quyết định số 1346/QĐ-BTC, ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 của Chính phủ, trong đó nêu rõ: “Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại và phát triển an toàn, đồng bộ thị trường chứng khoán; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân huy động vốn trung và dài hạn trên thị trường chứng khoán”.

Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 22/8/2023, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng đang phải gánh cung ứng vốn cho nền kinh tế, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

“Vừa qua, chúng ta bắt đầu phát triển thị trường trái phiếu, chứng khoán để giải quyết bài toán vốn trung dài hạn, nhưng sau đó, thị trường trái phiếu co lại và hiện nay lại phải tìm cách khơi thông. Trước mắt, chúng ta xác định cần mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. Có những việc đã làm, nhưng bây giờ sẽ phải làm với cường độ cao hơn. Việt Nam ngoài điều hành chính sách thì còn yếu tố rất quan trọng là lòng tin, kỳ vọng của thị trường”, ông Tú nói.

Tin bài liên quan